UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành quyết phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 8, lớp 11 và SGK môn Lịch sử lớp 10. Các SGK này sẽ được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024.
Danh mục SGK lớp 8 năm học 2023 - 2024 gồm 42 đầu sách của các môn học do các đơn vị biên soạn: Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xuất bản phẩm Victoria...
Trong đó, gồm 3 sách Ngữ văn, 3 sách Toán, 9 sách Tiếng Anh, 2 sách Khoa học tự nhiên, 3 sách Lịch sử và Địa lý, 3 sách Giáo dục công dân, 3 sách Âm nhạc, 4 sách Mỹ thuật, 3 sách Tin học, 3 sách Công nghệ, 2 sách Giáo dục thể chất, 4 sách Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Danh mục SGK lớp 11 gồm 54 đầu sách của các môn học. Các đầu sách được biên soạn bởi: Nhà Xuất bản ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản Đại học Huế, Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xuất bản phẩm Victoria…
Trong đó, gồm 3 sách Ngữ văn và chuyên đề học tập Ngữ văn, 3 sách Toán và chuyên đề học tập Toán, 8 sách Tiếng Anh, 8 sách Giáo dục thể chất, 3 sách Giáo dục Kinh tế và pháp luật và chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và pháp luật, 3 sách Lịch sử và chuyên đề học tập Lịch sử, 3 sách Địa lý và chuyên đề học tập Địa lý, 3 sách Vật lý và chuyên đề học tập Vật lý, 3 sách Hóa học và chuyên đề học tập Hóa học, 3 sách Sinh học và chuyên đề học tập Sinh học, 2 sách Tin học và chuyên đề học tập Tin học, 4 sách Công nghệ và chuyên đề học tập Công nghệ, 3 sách Âm nhạc và chuyên đề học tập Âm nhạc, 4 sách Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và các sách, chuyên đề của môn Mỹ thuật.
Đối với lớp 10, có 2 SGK môn lịch sử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam được phê duyệt.
Trên cơ sở danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đề xuất danh mục SGK mới để Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thành phố phê duyệt. Căn cứ các đầu sách đã được phê duyệt, các nhà trường sẽ phổ biến, hướng dẫn giáo viên đưa vào giảng dạy từ năm học mới 2023 - 2024.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo quyết định của UBND TP.HCM, kể từ năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục tại thành phố sử dụng bộ SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 thuộc các bản sách được phê duyệt trong danh mục.
Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt SGK lớp 4 có 27 bản sách cho tất cả các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Hoạt động trải nghiệm, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh… Các bản sách này do các NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Huế, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM biên soạn và phát hành.
Ở khối lớp 8, UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt 36 bản sách cho 11 môn học, trong đó SGK môn toán có 4 bản của 4 bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng khám phá; môn ngữ văn có 3 bản của 3 bộ sách Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống… Các bản SGKlớp 8 do các NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam... biên soạn và phát hành.
Còn ở khối lớp 11, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố phê duyệt 62 bản sách của 15 môn học thực hiện trong chương trình GDPT 2018. Trong đó, môn toán có 4 bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng khám phá; môn ngữ văn có 3 bộ sách Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống; môn lịch sử có 2 bộ sách Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống…
Thông tin về các bản sách được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt trong danh mục, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo thông tư của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ tuân thủ việc lựa chọn đã thực hiện nếu các bộ SGK nằm trong danh mục mà UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt.
Trường hợp những lựa chọn trước đó không nằm trong danh mục SGKđã phê duyệt thì nhà trường sẽ thống nhất, lựa chọn một bộ SGK trong danh mục phê duyệt của UBND TP. Hồ Chí Minh để học sinh, giáo viên sử dụng sao cho phù hợp nhất với chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại đơn vị.
Đề xuất phương án hỗ trợ SGK
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây, một trong số các nội dung được Bộ GD&ĐT đề cập là đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước để mua cho học sinh mượn SGK thông qua hệ thống thư viện trường học.
Theo Bộ GD&ĐT, căn cứ đề xuất của các địa phương, gồm khả năng cân đối ngân sách và mong muốn được hỗ trợ từ địa phương, Bộ GD&ĐT đã đưa ra đưa ra 3 phương án Nhà nước hỗ trợ mua SGK.
Phương án 1: hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ SGK thông qua các thư viện trường học (cho học sinh mượn sách), 30% em còn lại thuộc hộ thu nhập khá trở lên sẽ tự mua sách.
Phương án 2: hỗ trợ 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa (cũng thông qua các thư viện trường học).
Phương án 3: hỗ trợ học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo được mượn SGK.
Với mức giá bình quân là 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD&ĐT tính toán phương án 1 cần 2.138,32 tỉ đồng (kinh phí địa phương tự cân đối 158,95 tỉ đồng; số kinh phí đề nghị ngân sách TW hỗ trợ là 1.979,37 tỉ đồng). Phương án 2 cần 1.572 tỉ đồng (địa phương 99,89 tỉ đồng; TW 1.427,48 tỉ đồng). Phương án 3 cần 107,57 tỉ đồng (địa phương 18,7 tỉ đồng; TW 88,88 tỉ đồng).
Về cơ chế hỗ trợ SGK, việc lập dự toán kinh phí và cơ chế cấp ngân sách sẽ theo luật Ngân sách Nhà nước. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp, xin ý kiến Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan về việc cân đối ngân sách TW và ngân sách địa phương; cơ chế hỗ trợ SGK cho học sinh mượn sử dụng và báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.