TP. Cần Thơ tạm thời chưa thu học phí
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ Trần Thanh Bình, năm học 2023 - 2024, thành phố chưa ban hành mức thu học phí mới. Lý do, đang chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 81/2021. Vì vậy, tạm thời năm học mới 2023 - 2024 các trường sẽ chưa thu học phí. "Dự kiến mức thu học phí sẽ chờ trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2023, sau khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định mới. Nếu như Nghị định 81 sửa đổi, bổ sung ban hành không kịp kỳ họp HĐND thành phố vào cuối năm thì vẫn trình HĐND ban hành Nghị quyết thu học phí bằng với mức học phí năm học 2022 - 2023".
Quảng Nam: Ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch học phí
Mức thu học phí và chính sách hỗ trợ học phí năm học 2023 - 2024 xác định bậc học mầm non, THCS khu vực thành thị: 300.000 đồng/tháng, nông thôn 100.000 đồng/tháng, miền núi 50.000 đồng/tháng. Tương tự, bậc THPT: thành thị 300.000 đồng, nông thôn 200.000 đồng, miền núi 100.000 đồng. Tuy nhiên, người học chỉ đóng một phần học phí. Mức thu mỗi tháng ở khu vực thành thị - nông thôn - miền núi cụ thể: bậc học mầm non 105.000 đồng - 45.000 đồng - 20.000 đồng; THCS 60.000 đồng - 30.000 đồng - 15.000 đồng; THPT 105.000 đồng - 65.000 đồng - 20.000 đồng. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cấp bù chênh lệch giữa mức học phí quy định năm học 2023 - 2024 với mức học phí thu từ học sinh.
Thừa Thiên Huế thu như năm ngoái
Mức thu học phí năm học 2023 - 2024 tại Thừa Thiên Huế như năm học 2022 - 2023. Cụ thể, bậc mầm non, cao nhất 79.000 đồng/tháng (TP.Huế), thấp nhất 11.000 đồng/tháng (miền núi); bậc THCS, cao nhất 86.000 đồng, thấp nhất 9.000 đồng; THCS có học nghề, cao nhất 105.000 đồng, thấp nhất 15.000 đồng; bậc THPT: cao nhất 90.000 đồng, thấp nhất 14.000 đồng.
TP.HCM thu học phí trường công lập cao nhất 300.000 đồng/tháng
Sở GD&ĐT vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT và UBND TP.HCM về tình hình sau khai giảng năm học, trong đó, có hướng dẫn thu học phí năm học 2023-2024. Mức thu học phí năm học 2023 - 2024 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện như sau: Nhóm 1: Học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; Nhóm 2: Học sinh học tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến (học online) bằng 50% mức thu học phí đã được ban hành. Đồng thời, Sở thực hiện phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức lập danh sách các đơn vị thực hiện kê khai giá dịch vụ giáo dục năm 2023, đảm bảo học phí tăng không quá 10% so với năm học 2022-2023 và thực hiện kê khai giá năm học 2023- 2024 theo quy định.
Bà Trương Thanh Nhuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết, đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa thu học phí năm học 2023-2024 đối với bậc học từ mầm non đến phổ thông. Lý do chưa thu học học phí là chờ Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh Nghị định số 81 quy định về cơ chế thu, quản lý đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.
Hà Nội thu học phí ở mức sàn
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với các khối trên địa bàn đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua. Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trực thuộc về việc hướng dẫn công tác quản lý thu, chi. Theo đó, mức thu học phí cao nhất khu vực thành thị là 300.000 đồng, nông thôn là 200.000 đồng, dân tộc thiểu số và miền núi là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Trong khi đó, đến nay cả nước đã có 5 địa phương miễn, giảm học phí cho học sinh trong năm học này. Cụ thể như sau:
Quảng Bình thống nhất chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024 đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình phổ thông trên địa bàn. Ngoài ra, trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển sẽ được miễn học phí cả năm học 2023-2024.
TP. Hải Phòng dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh các bậc mầm non, THCS và THPT.
TP. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí đối với học sinh tại các trường công lập, ngoài công lập nhưng không bao gồm trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dự chi khoảng 327 tỷ đồng cho việc miễn học phí cho học sinh các cấp học. Trong đó, dành 190 tỷ đồng hỗ trợ giảm học phí cho trẻ 5 tuổi và học sinh THCS (học sinh tiểu học được miễn theo luật).
Hà Nam cũng quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn sau khi công bố mức học phí mới. Mức hỗ trợ đúng bằng mức tăng học phí khi thực hiện theo Nghị định 81. Về dự chi ngân sách, hiện tỉnh này chưa công bố, đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định 81 sửa đổi.
Mức học phí mới của các tỉnh, thành căn cứ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Cụ thể, căn cứ theo khung học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ quy định tại Nghị định 81, từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.