Hà Nội

Năm học 2015 - 2016: Thống nhất phương án xét tuyển

24-04-2015 08:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, nhằm giảm sức ép cho gia đình...

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, nhằm giảm sức ép cho gia đình, các em học sinh và xã hội. Đối với công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2015; tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015 - 2016 đạt hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành giáo dục Hà Nội đã thống nhất chỉ có phương án là xét tuyển, đồng thời khẳng định đảm bảo 100% học sinh sau khi kết thúc cấp học đều được vào học ở các trường theo đúng tuyến.

Sở GD&ĐT Hà Nội chốt phương án xét tuyển đối với học sinh lớp 6. Ảnh: PV

Tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức xét tuyển

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm nay toàn thành phố sẽ tuyển 135.240 học sinh lớp 1 và 102.500 học sinh lớp 6. Việc tuyển sinh vào mầm non, lớp 1 và lớp 6 diễn ra từ ngày 1 - 15/7, thời gian tuyển bổ sung sẽ kéo dài từ ngày 17 - 19/7. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 với tinh thần kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về công tác tuyển sinh, phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Sở chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương “3 tăng, 3 giảm” (tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường. Giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp học, giảm số lớp đối với trường có số lớp quá lớn). Theo phương án này, tất cả các trường trên địa bàn sẽ tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức xét tuyển. Tuyệt đối không được khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 trong năm học này.

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Trong đó quy định các điều kiện tuyển sinh rõ ràng. Theo kế hoạch này, việc tuyển sinh đầu cấp là trách nhiệm của UBND quận, huyện. Muốn tuyển sinh tốt, Sở đã yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo các trường công khai minh bạch các thông tin tuyển sinh liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho người dân lựa chọn.

Trước những băn khoăn rằng khi áp dụng Thông tư 30, không chấm điểm học sinh tiểu học, học bạ của học sinh chỉ là những lời nhận xét của giáo viên là đạt hay không đạt, vậy lấy căn cứ gì để xét tuyển? Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD&ĐT cho biết, Thông tư 30 chỉ rõ, đánh giá học sinh bằng nhận xét nhưng điều đó không có nghĩa trong toàn bộ học bạ của học sinh chỉ kết luận học sinh đó đạt hay không đạt. Cụ thể, học bạ của học sinh sẽ gồm nhiều phần, học sinh đạt chuẩn kiến thức từng môn thì đánh giá hoàn thành. Ngoài ra, đánh giá học sinh còn dựa vào tiêu chí phát triển năng lực học sinh, quá trình hình thành phát triển phẩm chất đạo đức... tất cả các tiêu chí này là cơ sở để xét tuyển. Ngoài ra, ở cuối học kỳ cũng có điểm số đánh giá học sinh, các trường sẽ căn cứ vào đây để xét tuyển.

Khắc phục tình trạng trường đông, trường vắng

Liên quan đến vấn đề tránh tình trạng trường quá tải, trường không đủ học sinh đang được dư luận quan tâm, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Về lâu dài, để giảm tải áp lực tuyển sinh ở một số trường có tiếng, ngành GD&ĐT sẽ cố gắng điều hòa được chất lượng giữa các nhà trường bằng cách điều động, luân chuyển giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất để học sinh được hưởng cùng một mặt bằng chất lượng giáo dục. Ý thức được điều này, những năm qua, nhiều quận trên địa bàn đã nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời luân chuyển giáo viên đến những trường top dưới, chính điều này đã làm giảm áp lực tuyển sinh cho các trường được coi là top trên trong nhiều năm.

Đề cập đến vấn đề tổ chức thi tuyển hay xét tuyển, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Mặc dù quy định của Bộ GD&ĐT không sai, nhưng việc ban hành nửa vời, vội vàng và không hề có lộ trình đã đẩy các Sở GD&ĐT và các nhà trường vào vòng luẩn quẩn xét tuyển (hình thức này dễ gây tiêu cực, không công bằng và đặc biệt “nặng xin cho, chạy chọt”). Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại cho biết, việc tuyển sinh đầu cấp từ mầm non đến THCS thuộc về trách nhiệm của UBND các quận huyện. Các quận, huyện muốn làm tốt phải chỉ đạo các trường, phòng có kế hoạch tuyển sinh công khai, minh bạch thời gian, phương thức, chỉ tiêu, địa bàn tuyển sinh... Thông thường, Hà Nội có 9 trường có lượng hồ sơ đăng ký vào lớp 6 lớn. Trong đó, có trường lâu nay đã có phương thức xét tuyển đảm bảo công bằng, có sức hút với phụ huynh, học sinh như Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông). Trao đổi về vấn đề này, ông Quốc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi cho biết, cách tuyển sinh lâu nay vẫn được phụ huynh “tâm phục, khẩu phục” là xét kết quả học tập 5 năm và cộng điểm giải thưởng các em đạt được qua các kỳ thi. Tuy nhiên, ông Quốc Anh cũng khẳng định, trường ưu tiên tuyển những học sinh trên địa bàn nên không bị áp lực quá lớn về hồ sơ.

Sở GD&ĐT Hà Nội kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về công tác tuyển sinh vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6; phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ cho học sinh. Với lớp 10, phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển như năm 2014. Chậm nhất, ngày 30/5, toàn bộ kế hoạch về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở.   

Trần Lâm

 

 


Ý kiến của bạn