Rậm lông và nam hóa là những tính trạng của nam lại biểu hiện trên cơ thể nữ: lông mọc kiểu nam ở nữ; phát triển trứng cá, nữ hói đầu giống nam. Nam hóa là phát triển các đặc tính sinh dục nam thứ phát ở nữ: giọng nói trầm, teo vú, tăng khối lượng cơ, phì đại âm vật, mất kinh... do tăng sản xuất androgen.
Rậm lông là tăng trưởng lông kiểu đàn ông quá mức trên cơ thể nữ. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 10% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Bệnh thường là tự phát hoặc có thể do thừa androgen gặp ở một số bệnh như: hội chứng buồng trứng đa nang, tăng sản thượng thận bẩm sinh. Nam hóa là tình trạng mà mức độ androgen cao tới mức gây ra các biểu hiện: giọng nói trầm, teo ngực, tăng cơ bắp chân, bắp tay và toàn thân, to âm vật và tăng kích thích dục tính... căn nguyên có thể do u tân sinh ở buồng trứng hoặc thượng thận.
Nguyên nhân gây rậm lông là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây rậm lông như sau:
- Tăng tiết androgen tuyến sinh dục: Buồng trứng tăng tiết androgen trong hội chứng buồng trứng đa nang; tăng tiết androgen buồng trứng chức năng; chẹn sinh steroid buồng trứng; các hội chứng đề kháng insulin quá mức; u tân sinh buồng trứng.
- Tăng tiết androgen tuyến thượng thận: Tăng năng tuyến thượng thận sớm; tăng tiết androgen thượng thận chức năng; tăng sản thượng thận bẩm sinh bất thường hay thông thường; chuyển hóa cortisol bất thường; tân sinh thượng thận.
- Các rối loạn nội tiết khác như: Hội chứng Cushing; tăng prolactin huyết; bệnh to viễn cực.
- Quá kích androgen ngoại vi như bệnh béo phì; tự phát.
- Tăng tiết androgen khi có thai: Tăng phản ứng lutein; u tế bào áo khi mang thai.
- Do thuốc: Thuốc nội tiết gây rậm lông androgen, thuốc tránh thai chứa progestin sinh androgen; thuốc gây rậm lông không có androgen: phenytoin, minoxidil, diazoxid; cyclosporin...
- Người lưỡng tính.
Đánh giá rậm lông trên lâm sàng
Đánh giá rậm lông cần căn cứ: Thời gian bắt đầu rậm lông, tốc độ phát triển lông, các triệu chứng liên quan như viêm nang lông. Tùy nguyên nhân, sự tăng trưởng lông quá mức bắt đầu xảy ra ở 20-29 tuổi hoặc 30-39 tuổi. Thông thường sự tăng trưởng thường chậm nhưng tăng dần. Nhưng cũng có khi rậm lông phát triển đột ngột và tốc độ tăng nhanh có thể có hiện tượng nam hóa do u tân sinh tiết androgen. Nếu triệu chứng tiết nhiều sữa nên đánh giá theo hướng tăng prolactin huyết và có thể thiểu năng tuyến giáp. Với bệnh nhân tăng huyết áp, nổi vân, dễ bị thâm tím, tăng cân, suy nhược cơ thể là dấu hiệu của nhiễm cortisol. Vài loại thuốc: phenytoin, minoxidil, cyclosporin có thể gây rậm lông. Vô sinh và rậm lông di truyền có thể do rối loạn tăng sản thượng thận bẩm sinh kiểu bất thường (CAH).
Đánh giá về sự phân bố lông và số lượng lông là chủ yếu với phụ nữ có biểu hiện rậm lông, nhằm phân biệt giữa rậm lông do androgen và rậm lông không do androgen. Rậm lông không do androgen là tăng trưởng lông quá mức ở lông tơ, ở vùng không phải bộ phận sinh dục, thường là có bệnh sử gia đình hoặc do các rối loạn chuyển hóa như rối loạn tuyến giáp, biếng ăn tâm thần, hay do dùng thuốc như phenytoin, minoxidil hay cyclosporin gây ra.
Điều trị
Điều trị rậm lông có thể bằng các phương pháp: Không dùng thuốc, dùng phương tiện cơ học để nhổ lông, kết hợp với liệu pháp dùng thuốc.
- Cách điều trị không dùng thuốc gồm: Tẩy lông; làm rụng lông như cạo và dùng hóa chất; triệt lông tận gốc như nhổ lông, tẩy sáp, liệu pháp laser.
- Dùng hóa chất để làm rụng lông có thể có hiệu quả khi rậm lông ở dạng nhẹ chỉ ở vùng giới hạn, nhưng cách này có thể gây kích thích da; dùng cách tẩm sáp lấy lông đi tạm thời nhưng gây khó chịu; điện phân có hiệu quả vì lấy lông đi trong thời gian dài, dùng laser mang lại hiệu quả tốt vì làm chậm tăng trưởng lông và đạt hiệu quả lấy lông đi vĩnh viễn với một số bệnh nhân.