Biển cả có lúc hiền hòa, đem lại cho ngư dân những mùa màng bội thu, tạo nên cuộc sống trù phú ở nhiều làng biển. Song, cũng nhiều lúc đại dương nổi giận. Không biết từ bao giờ, ngư dân đi biển mỗi khi gặp cảnh nguy nan ngấp nghé bên bờ cõi chết, ai cũng khấn niệm trong lòng và trông chờ "ông Nam Hải" đến cứu giúp. Và hằng năm, vào khoảng trung tuần tháng 4, người dân vùng biển thường tổ chức lễ hội Nghinh Ông để tưởng nhớ "Nam Hải đại tướng quân"
Những nhân chứng sống
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Phê, ở làng Phú Câu, phường 6, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, được cả vùng biết đến nhờ từng được "Ông" (cách gọi thành kính của ngư dân đối với cá voi) cứu vớt. Ngư dân Tuy Hòa bảo ông Phê là nhân chứng sống cho huyền thoại "ông Nam Hải". Chuyện đã cách đây hơn 20 năm. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông kể: "Vào tháng 3/1984, trong một chuyến đi câu ngoài khơi, khi vừa buông câu, một cơn lốc đi qua nhấn chìm tàu chúng tôi. Toàn bộ thợ thuyền đều là thanh niên trai tráng mà không ai thoát chết. Năm đó tôi đã xấp xỉ 50 tuổi, sức bơi đã rất yếu, tưởng thế là hết. Sau một hồi vật lộn với sóng biển, tôi đuối sức và không ngớt khấn vái “Ông” đến giúp. Đến lúc gần như bất tỉnh, chỉ chực chìm xuống đáy biển, tôi chợt thấy mình được nâng lên mặt nước, người nhẹ tênh. Dù mơ mơ màng màng nhưng tôi vẫn có cảm giác rất rõ như mình đang được nằm trên một tấm ván trơn nhớt, rất êm ái, từ từ trôi. Cứ như vậy vài ngày đêm, đói quá tôi ngất lịm lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình được một tàu đánh cá vớt lên. Những ngư dân tàu này khẳng định tôi được "Ông" cứu, bởi họ thấy "Ông" đưa tôi đến gần tàu". Ông Phê còn cho biết thêm: Làng Phú Câu có hơn 20 người từng được cá voi cứu về từ cõi chết, như các ông Lê Mai, Huỳnh Văn Thới, Huỳnh Thị Chài... Còn ở làng Đông Tác, phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa) cách đó không xa, cũng có hơn 50 người được cá voi cứu giúp. Chúng tôi tìm gặp bà Lương Thị Trả, 70 tuổi, ở làng Đông Tác. Bà Trả bồi hồi nhớ lại: "Cách đây chừng gần 20 năm, trong một lần đi vớt củi lụt trên sông Đà Rằng, xuồng bị lật và mẹ con tôi bị cuốn trôi tuốt ra biển. Con trai tôi, 18 tuổi, khỏe mạnh, bơi giỏi nhưng lại không thoát chết. Trong khi đó tôi không biết bơi, yếu đuối nhưng thoát nạn nhờ "Ông hộ" đã lên được bờ.
Cũng tại làng biển Đông Tác, người dân còn lưu truyền nhau chuyện "Ông" cứu ông Nguyễn Văn Nam một cách kỳ bí thế nào. Một người già nói: “Khi rơi xuống biển, ông Nam liên tục khấn vái cầu cứu "Ông" đến "hộ". Khi gần lịm người vì đuối sức, một sinh vật khổng lồ hình cầu, da trơn nhớt đen bóng đến nâng dìu ông Nam đến tận bãi Đá Đăng, cách bờ hàng chục cây số. Đến bãi Đá Đăng, ông Nam không thể leo lên được do đuối sức, phần vì do vách đá thẳng đứng không chỗ vịn. Ông tiếp tục khấn nguyện: "Có thương thì thương cho trót, xin "Ông" đưa con đến chân cầu Ba Chân". Tuy cầu Ba Chân cách bãi Đá Đăng cả trăm cây số, song trong lúc mơ màng ông Nam vẫn nhớ rõ mình được "Ông" tiếp tục nâng dìu đến tận đây. Chuyện về "Nam Hải đại tướng quân", nhất là việc cứu người trong cơn nguy nan giữa trùng khơi, dù ngẫu nhiên, dù khoa học đã hoặc chưa thể giải thích, ngư dân vẫn truyền miệng nhau những điều kỳ bí. Đi đến bất cứ vùng biển nào, chúng tôi cũng được nghe ngư dân sùng kính "ông Nam Hải" của họ. "Ông" chính là niềm tin của họ mỗi khi dong thuyền ra khơi.
Để tang, hương khói khi "Ông" lụy
Ông Nguyễn Văn Út, làng Phú Câu (TP. Tuy Hòa) nhớ lại những lần chứng kiến cảnh "Ông" lụy trong đời mình: "Lúc sắp lụy, "Ông" sẽ tìm cách vào bờ. Lúc này biển dậy sóng dữ dội, xung quanh "Ông" có vô số "binh tôm tướng cá" phò vào". Hầu hết các ngư dân đều tin rằng không phải vùng đất nào cũng được "Nam Hải đại tướng quân" chọn để vào bờ "lụy". Vùng "Ông" chọn để gửi xác những năm sau đó trù phú khác thường. Đặc biệt trong năm "Ông" lụy, ngư dân vùng biển đó sẽ được mùa màng bội thu.
Ông Út cho biết thêm: "Năm 1957, lúc tôi 11 tuổi, làng cũng phát hiện một "Ông" sắp lụy đâm vào bờ. Cả làng đưa về miếu chuẩn bị các thủ tục chôn cất nhưng đợi hoài "Ông" vẫn không "đi", mắt vẫn mở và đuôi vẫn ngo ngoe. Phải đến ngày thứ ba, khi các bô lão khấn khứa sẽ nhang khói thờ phụng đàng hoàng, "Ông" mới vẫy đuôi rồi nhắm mắt lụy. Đó là điều cả đời tôi chưa từng thấy, vì không sinh vật biển nào sống lâu trên cạn như vậy".
Lễ hội Nghinh Ông hằng năm được tổ chức trọng thể. |
Năm 2002, vợ chồng bà Huỳnh Thị Khanh (56 tuổi, ngụ làng Đông Tác, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa) trong một lần đi bộ tập thể dục buổi sáng đã phát hiện "Ông" đâm vào bờ. Thấy "Ông" còn sống, vợ chồng bà Khanh hì hụi cố đẩy ra biển. Bà Khanh nhớ lại: "Song, đi chừng vài trăm mét, vợ chồng tôi lại thấy "Ông" đâm vào bờ trước mặt, như chặn chúng tôi lại. Nghĩ là "Ông" sắp lụy, chồng tôi ở lại canh giữ, còn tôi về làng thông báo. Khi cả làng chạy ra đông đủ, ông lụy ngay". Ba năm sau đó, vợ chồng bà phải lo chuyện hậu sự, cúng giỗ "Ông". Ở các vùng biển được nhiều "ông Nam Hải" ghé vào lụy, ngư dân còn xây dựng cả nghĩa địa chuyên dành để chôn cất "Ông". Tại đây cũng đầy đủ nhang đèn, hương khói trang trọng chẳng khác gì nghĩa trang của người. Cá voi chết được ngư dân chôn cất rất chu đáo gần bờ biển nơi tấp vào. Sau 3 năm, ngư dân đem hài cốt "Ông" về lăng, miếu, thực hiện nghi thức xả tang, chuẩn bị lo việc thờ phụng. Nhiệm vụ bảo quản hài cốt, thờ phụng "Nam Hải đại tướng quân" thường được giao một người đứng tuổi trong vùng. Lăng, miếu thờ "ông Nam Hải" được canh giữ, hương khói quanh năm.
Ở Phú Yên, lăng, miếu thờ cá voi nổi tiếng nhất là miếu “ông Nam Hải” ở làng Phú Câu, phường 6, TP. Tuy Hòa, được xây dựng từ năm 1879. Người canh giữ hài cốt "Ông", lo việc hương khói là lão ngư Lê Bồng, 75 tuổi. Ngư dân địa phương cho biết, tuy ông Bồng đã lớn tuổi nhưng cả vùng tìm người thay thế vẫn chưa ra, bởi đảm trách công việc này phải là người có đạo đức tốt, am tường nhiều thứ và đứng tuổi. Ông Bồng đã làm công việc này 20 năm nay. Miếu này có hàng trăm bộ hài cốt của "Ông". Trong đó, bộ hài cốt mà ngư dân gọi là "Ông lớn", được xem là lớn nhất miền Trung, đã có từ hàng chục năm nay. Trong căn phòng rộng chừng 2m2, nơi bảo quản hài cốt "Ông lớn". Bộ xương "Ông" gom thành đống, nằm choán gần hết cả căn phòng, được xem là chốn linh thiêng và là niềm hãnh diện của cả vùng Phú Câu. Ông Bồng nhớ lại, khi "Ông lớn" đâm vào bờ, cả làng tuy rất mừng rỡ nhưng thật vất vả lo chuyện hậu sự. "Ông lớn" dài đến 30 mét, ngang 8 mét, nặng chừng 30 tấn. Ông Bồng cho biết thêm: "Cả làng phải huy động hết mọi người nhưng không cách nào di chuyển được "Ông lớn" đến nơi chôn cất. Chúng tôi phải dùng tre đan thành một chiếc giỏ khổng lồ đường kính hàng trăm mét, bao bọc "Ông lớn" nơi bờ biển. Mấy mươi ngày sau, khi da thịt "Ông lớn" rữa ra, chúng tôi mới lấy được hài cốt đem về thờ phụng".
Đối với người dân đi biển, niềm tin vào sự trợ giúp của "Nam Hải đại tướng quân" xuất phát từ rất nhiều sự tích tương truyền về khả năng màu nhiệm của cá voi đối với ngư dân làm nghề khai thác đánh bắt trên biển. Đây là một giá trị tâm linh đáng trân trọng. Nhưng mong rằng, không nên vì quá tôn sùng, tin tưởng vào "ông Nam Hải" mà ngư dân lơ là việc trang bị kiến thức cũng như phương tiện kỹ thuật phòng chống thiên tai khi ra khơi.
Bài và ảnh Diên Khánh