Nam giới Việt có rơi vào viễn cảnh khó lấy vợ giống Trung Quốc, Hàn Quốc?

11-07-2019 13:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Với quan niệm phải sinh con trai để nối dõi tông đường, nam giới Việt trong tương lai sẽ phải lo lắng về việc tìm bạn đời do thừa nam, thiếu nữ.

Đó là một thách thức Việt Nam đang phải đối mặt mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đề cập tới tại tọa đàm ICPD25 và những thay đổi ở Việt Nam trong 25 năm qua. Tọa đàm diễn ra nhân Ngày Dân số Thế giới và Kỷ niệm 25 năm Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD). Nếu người dân không thay đổi nhận thức "trọng nam khinh nữ" khi sinh con, nam giới Việt Nam sẽ rơi vào viễn cảnh khó lấy vợ giống kịch bản đã diễn ra ở Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã nêu những thách thức về dân số và phát triển của Việt Nam. Thách thức lớn đối với Việt Nam là mất cân bằng về tỷ lệ sinh giữa các vùng miền, mất cân bằng giới tính khi sinh, và mất cân bằng về cấu trúc dân cư giữa các vùng miền.

Các diễn giả tại Tọa đàm về Dân số và Phát triển và những thay đổi ở Việt Nam trong 25 năm qua

Một trong những thách thức đối với Việt Nam là mặc dầu quy mô dân số đã giữ ở mức khá ổn đinh, nhưng lại rất khác nhau giữa các vùng miền, thành phố. Có nơi mức sinh thay thế rất thấp, chỉ còn 1,6 con/cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản như ở TP. Hồ Chí Minh so với các tỉnh thành khác. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có mức sống tương đối phát triển, có cơ hội để phát triển, cơ hội giáo dục việc làm nhưng tỷ lệ sinh lại thấp. Còn ở những vùng khó khăn, điều kiện phát triển kém thì tỷ lệ sinh lại cao hơn nhiều.

Việt Nam còn đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Do quan niệm “gia đình nào cũng phải có con trai”, nên tâm lý chung thường chỉ thích sinh con trai. Trong thời gian tới, nếu tình trạng này tiếp diễn, Việt Nam sẽ dư thừa số lượng nam thanh niên. Đến lúc đấy, tương lai sẽ ra sao đối với các chàng trai này? Liệu họ có cưới nổi vợ không? Liệu Việt Nam có lặp lại viễn cảnh thanh niên "ế vợ", phải ra nước ngoài tìm vợ như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc….?

Ngày Dân số Thế giới và Kỷ niệm 25 năm Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD25)

Rồi biến động di cư, có những vùng dân cư bị bỏ lại phía sau?  Ví dụ có những vùng chỉ toàn "ông già bà già" mà thôi, không có thanh niên, do tình trạng người trẻ di cư tới nơi có điều kiện hơn để sinh sống, học tập và làm ăn. Điều đó dẫn tới khó khăn cho phát triển kinh tế ở tại vùng quê xa xôi hẻo lánh.

Theo các diễn giả tại lễ kỷ niệm, tình trạng già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức về quỹ hưu trí, BHYT. Với tần suất di cư còn tiếp tục gia tăng, đặt ra thách thức đảm bảo trường mầm non và cơ sở giáo dục tại các khu công nghiệp cho người di cư. Quy mô dân số 100 triệu của Việt Nam cũng tạo ra áp lực về tài nguyên và môi trường,...

Clip Tọa đàm Dân số và Phát triển - Thách thức đối với Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, về dân cư, đảm bảo điều kiện sống vẫn là những thách thức còn tồn tại. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Thứ trưởng mong rằng qua quá trình hợp tác với Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam sẽ tránh được những bất cập, thách thức và cố gắng duy trì những gì đã đạt được.

Thành tựu về Dân số và Phát triển của Việt Nam trong vòng 25 năm qua

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện 11 hành động ưu tiên được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á-Thái Bình Dương về dân số và phát triển.

Các nội dung bao gồm xóa đói, giảm nghèo, việc làm, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dịch vụ và quyền, vị thành niên và thanh niên. Đặc biệt trong các lĩnh vực về sức khỏe sinh sản và tình dục, dịch vụ và quyền đã có những ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề dân số mới nổi như các chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng phù hợp để cải thiện và kiểm soát ung thư cổ tử cung, giảm các nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai trong nhóm thanh niên chưa kết hôn, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên và cải thiện việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi có hại như bạo lực trên cơ sở giới, mất cân bằng giới tính khi sinh...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong thời gian 25 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và lĩnh vực dân số, sức khỏe sinh sản của Việt Nam nói riêng đạt những thành tựu quan trọng. Như chúng ta biết, trước đây, vào những năm 1960, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh rất cao. Với tỷ lệ sinh cao, Việt Nam đã phải tìm cách kìm hãm tốc độ gia tăng dân số. Sự chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung chưa tốt như bây giờ. Thời đó, vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo chưa có dịch vụ y tế nên tai biến y khoa thường hay xảy ra dẫn tới tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao. Chưa kể đến trẻ sinh ra bị thấp còi, suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao.

Clip Tọa đàm ICPD25 - Thành tựu về Dân số và Phát triển của Việt Nam trong 25 năm qua

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, trong 25 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng như tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi nhiều. Các dịch vụ y tế nay đã được đưa đến vùng sâu, vùng xa. Thậm chí y tế kỹ thuật cao cũng được đưa về vùng cao. Việt Nam đã kìm hãm được tỷ lệ gia tăng dân số cao, giữ được ở mức sinh thay thế. Điều quan trọng nữa là chất lượng dân số cải thiện đáng kể. Trước đây tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật cao nhưng giờ đây, nhờ các trung tâm sàng lọc trước sinh, đã giúp phát hiện sớm dị tật, các bệnh lý ngay từ trong bào thai. Đó là những thành tựu về dân số và phát triển của Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm, các diễn giả còn nêu lên một số thành tựu dân số và phát triển của Việt Nam như giảm tỷ lệ người nhiễm HIV, đưa thuốc ARV vào điều trị BHYT cho người nhiễm HIV. Vai trò của phụ nữ trong xã hội ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đại biểu quốc hội nữ chiếm số đông,.... Việt Nam đã ban hành luật nghị định bình đẳng giới, có dịch vụ hỗ trợ dự phòng cho nạn nhân bị bạo hành,....


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn