Tình cờ phát hiện bệnh
TS. BSNT Nguyễn Đình Liên Khoa Phẫu thuật tiết niệu & Nam học Bênh viện E, cho biết, mới đây là một bệnh nhân nam, 60 tuổi, đã nhập viện tại khoa. Trước khi nhập viện, tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ thấy chỉ số ung thư TTL, PSA cao hơn bình thường, bệnh nhân đã tới khám chuyên khoa Ngoại tiết niệu Nam học, Bệnh viện E.
Sau khi khám và chỉ định các chẩn đoán, kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn và được chỉ định mổ nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư đường hoàn toàn trước phúc mạc.
Sau mổ tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.
TS. BSNT Nguyễn Đình Liên, Khoa Phẫu thuật tiết niệu & Nam học, Bênh viện E.
Chia sẻ về phương pháp nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư, BS. Liên cho biết, bệnh ung thư tuyến tiền liệt có nhiều phương pháp điều trị ứng với nhiều giai đoạn. Nếu bệnh ở giai đoạn sớm ngoài phương pháp mổ mở truyền thống thì còn có phương pháp mổ nội soi với nhiều ưu điểm: Ít đau, nhanh hồi phục so với mổ mở.
Đây là phương pháp mới vừa được triển khai tại Bệnh viện E để chỉ định bệnh ở giai đoạn sớm và chưa có bằng chứng di căn trên MRI/CT, với những bệnh nhân dưới 70 tuổi.
Ưu điểm lớn nhất ở phương pháp này là khi mổ không qua ổ bụng nên hạn chế tổn thương ống tiêu hóa, tắc ruột sau mổ.
Ca phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Một ưu điểm nữa của đường mổ nội soi ngoài phúc mạc thì khi ở tư thế Trendenlenburg (tư thế đầu thấp- chân cao) tạo điều kiện thuận lợi cho gây mê hồi sức (hạn chế chèn ép tim mạch, hạn chế cản trở hô hấp…). Đặc biệt, phương pháp này thuận lợi hơn cho bệnh nhân béo phì, bệnh nhân đã có tiền sử mổ bụng đường trong phúc mạc cũ. Sau mổ bệnh nhân phục hồi nhanh, có thể sinh hoạt bình thường sau mổ 2-3 tuần.
Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính của nam giới do sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của các tế bào cấu tạo nên tuyến tiền liệt. Bệnh thường diễn biến âm thầm, không triệu chứng trong giai đoạn u còn khu trú tại tuyến.
Theo số liệu của Cơ quan Thế giới Nghiên cứu Ung thư IARC, ung thư tiền liệt tuyến có khoảng 1.112.000 ca mới mỗi năm, chiếm 7,9% tổng số ung thư các loại. Tính riêng về nam giới, ung thư tiền liệt tuyến đứng thứ hai sau ung thư phổi và chiếm 15% tổng số các ung thư nam giới.
Nguyên nhân bệnh ung thư tiền liệt tuyến chưa được xác định rõ. Các nghiên cứu không xác lập được sự liên hệ của ung thư tuyến tiền liệt với thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia, các yếu tố dinh dưỡng như ăn nhiều thịt, chất béo, các yếu tố chuyển hóa, nội tiết, di truyền…
Giai đoạn đầu của ung thư tuyến tiền liệt, triệu chứng thường không rõ ràng, hoặc có biểu hiện tương tự u phì đại lành tính. Nhưng đa phần ung thư tuyến tiền liệt là có biểu hiện rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, hoặc muộn hơn thì có xuất tinh ra máu nếu khối u to, xâm lấn.
Còn khối u nhỏ thì có thể gần như rất ít có biểu hiện lâm sang. Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế khám và được tư vấn cụ thể.
Để phát hiện sớm, nam giới trung niên nên đi khám, tầm soát bệnh lý ung thư hay gặp ở giới nam là ung thư tuyến tiền liệt bằng thăm trực tràng, siêu âm ung thư tuyến tiền liệt và đo chỉ số PSA. BS Liên khuyến cáo.
Chế độ kiêng nào giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19.