Có rất nhiều ý nghĩa liên quan đến đồ trang sức, đặc biệt là chiếc nhẫn. Mục đích của việc đeo nhẫn là một cách để giới thiệu bản thân mà không cần bất cứ lời giải thích nào.
Cũng giống như có rất nhiều sự lựa chọn về trang phục, chiếc nhẫn chỉ dành cho những ai hiểu, yêu thích chúng, và xem việc sở hữu chúng là một niềm vui, thậm chí là một niềm tin.
Nam giới làm đẹp không còn là chuyện lạ. Vì vậy, nhẫn cũng không chỉ dành cho phụ nữ.
Nếu bạn đang xem xét đeo một chiếc nhẫn sao cho phù hợp với phong cách (không chỉ là nhẫn cưới), thì dưới đây là ý nghĩa của từng vị trí đeo nhẫn.
Tay phải hay tay trái
Hầu như không có bất kỳ nguyên tắc nào về đeo nhẫn trên tay nào, phải hay trái.
Nhẫn đính hôn và nhẫn cưới tuy có "quy tắc", nhưng quy tắc này không giống nhau, vì nó phụ thuộc vào truyền thống văn hóa của từng vùng miền hay mỗi quốc gia.
Ví dụ, hầu hết đàn ông Mỹ đeo nhẫn cưới trên tay trái, nhưng những ai tổ chức đám cưới trong nhà thờ Eastern Orthodox (nhà thờ Thiên chúa giáo lớn thứ 2 trên thế giới) thì lại đeo nhẫn cưới trên tay phải.
Hiếm đàn ông đeo nhẫn đính hôn nên cũng có rất ít truyền thống và cách thức đeo nhẫn đính hôn.
Nhưng thường thì người ta hay đeo nhẫn trên tay trái. Lý do: Tay phải tượng trưng cho lý tính, vì nó được sử dụng hầu hết cho các hoạt động, tay trái được coi là bàn tay "tinh thần", đại diện cho tính cách và niềm tin - phù hợp với ý nghĩa của việc đeo nhẫn.
Ngón út
Đây luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các quý ông nếu muốn đeo nhẫn để thể hiện một điều gì đó.
Đeo nhẫn ngón út có một số lợi ích sau: Nó không phụ thuộc hay liên quan đến bất cứ tôn giáo hay nền văn hóa nào, và cũng giống như ngón trỏ, đeo nhẫn ở ngón út không gây trở ngại cho hoạt động của những ngón còn lại.
Nhẫn đeo ở ngón út cũng khác biệt, nó được thiết kế hơi cầu kỳ, bắt mắt hơn, vì mục đích để gây sự chú ý.
Những người thích chiêm tinh hoặc những biểu tượng liên quan đến thuật xem tướng thường xem ngón út là tượng trưng cho trí thông minh và tính thuyết phục. Nó đại diện cho sao Thủy, vì vậy chiếc nhẫn có thể được thiết kế hoặc làm từ các vật liệu có liên quan hoặc đại diện cho nước.
Ngón áp út
Ở Mỹ, ngón áp út thường là biểu tượng cho tình trạng hôn nhân: nếu đeo nhẫn ở tay phải có nghĩa là đã đính hôn, nếu đeo ở tay trái thì cho thấy đã lập gia đình.
Hầu hết quý ông đều chọn nhẫn cưới hoặc nhẫn đính hôn có thiết kế đơn giản, được làm bằng vàng hay bạc. Nhưng một chiếc nhẫn bản to có mặt đính ngọc hoặc được thiết kế cầu kỳ, đeo ở ngón áp út thì lại được cho là không liên quan đến tình trạng hôn nhân.
Điều đó không có nghĩa là nhẫn cưới không được thiết kế cầu kỳ và khác lạ, vì ngày nay có rất nhiều người thích sáng tạo thêm cho chiếc nhẫn cưới, nhưng đó không được cho là một thông lệ.
Một chiếc nhẫn cầu kỳ trên ngón áp út không được xem là nhẫn cưới hay đính hôn, nhưng một chiếc nhẫn bằng kim loại đơn giản được đeo trên ngón áp út của một thanh niên, dù ở tuổi vị thành niên, cũng mặc nhiên được cho là nhẫn đính ước hay nhẫn kết hôn.
Ngón áp út được tượng trưng cho Mặt trăng, sự sáng tạo và vẻ đẹp, tất nhiên nó còn tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu. Kim loại đại diện cho Mặt trăng là bạc, vì vậy khi chọn nhẫn được làm bằng bạc đeo trên ngón áp út, nó mang nhiều ý nghĩa hơn là nhẫn đính ước.
Ngón giữa
Hầu hết những người lần đầu tiên đeo nhẫn cảm thấy đeo nhẫn ở ngón giữa thoải mái hơn, bởi vì nó cho cảm giác của sự tập trung, mạnh mẽ, thẳng thắn và nam tính.
Nhưng rất ít người lựa chọn đeo nhẫn ở ngón tay dài nhất trên bàn tay này, vì nó có thể gây trở ngại cho hoạt động của các ngón còn lại. Nếu bạn muốn đeo nhẫn ở ngón này thì nên lựa chọn loại mảnh, có thiết kế đơn giản.
Vì nằm ở vị trí trung tâm nên ngón giữa tượng trưng cho sự cân bằng và tính trách nhiệm, và nó cũng tượng trưng cho sao Thổ. Kim loại đại diện cho sao Thổ là chì, kim loại có màu xám như thép là lựa chọn phổ biến để làm nhẫn đeo ở ngón tay này.
Ngón trỏ
Ngón trỏ được coi là ngón tay nhạy bén và khéo léo nhất trên bàn tay, vì vậy đeo nhẫn trên ngón tay này không gây trở ngại nhiều đến những ngón khác.
Hằng trăm năm trước, đàn ông thường đeo nhẫn ở ngón trỏ để thể hiện đẳng cấp, địa vị trong xã hội, ngày nay tập quán này vẫn tồn tại. Một số nơi ở châu Âu trước đây, những tầng lớp thấp không được phép đeo nhẫn ở ngón này, bởi vì nó tượng trưng cho danh tiếng của gia tộc.
Ngón tay trỏ được xem là biểu tượng của sao Mộc, tượng trưng cho quyền lực, sự lãnh đạo và thẩm quyền. Thiếc là kim loại đại diện cho sao Mộc. Nhưng sẽ khó tìm được chiếc nhẫn được làm từ thiếc, thay vào đó, tông màu bạc sáng thường được chọn để làm nhẫn cho ngón tay trỏ.
Ngón cái
Ở nhiều nơi, chiếc nhẫn trên ngón tay cái cho thấy người đàn ông rất giàu có hoặc rất có ảnh hưởng. Nhẫn đeo ngón cái thường thiết kế bản to và rất cầu kỳ.
Tuy nhiên, đeo nhẫn ở ngón cái lại là lựa chọn bình thường của những người đàn ông muốn đeo nhiều nhẫn trên một bàn tay. Chiếc nhẫn cưới cộng với một chiếc nhẫn ở ngón út hoặt ngón giữa có vẻ là hơi nhiều, nhưng nếu đeo ở ngón cái thì vẫn hợp lý.
Câu hỏi được đặt ra là đàn ông nên đeo bao nhiêu chiếc nhẫn?
Còn tùy thuộc vào đặc tính của chiếc nhẫn. Thông thường, nhiều người không đeo nhiều hơn một chiếc nhẫn trên cùng một ngón tay. Tối đa hai hoặc ba chiếc trên cả hai tay là "vừa đẹp".
Chọn một chiếc nhẫn bản lớn, thiết kế cầu kỳ là đủ cho cả hai bàn tay. Và hãy nhớ, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng.
Theo Doanh nhân Sài Gòn