Biểu hiện khi mắc quai bị
Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Thường sau khi tiếp xúc với virut quai bị khoảng 14 - 24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
Nhìn chung, bệnh có diễn biến lành tính, các triệu chứng lui trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại di chứng gì, tuy nhiên với bệnh nhân lớn tuổi thường cường độ các triệu chứng toàn thân (sốt, đau đầu...) cao hơn, các biến chứng hay gặp hơn. Tỷ lệ có biến chứng viêm tinh hoàn ở các trường hợp quai bị tuổi trưởng thành có thể từ 20 - 35%.
Chăm sóc phòng ngừa biến chứng
Để phòng ngừa biến chứng, ngay khi có biểu hiện sốt, sưng tuyến mang tai, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám và được hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Đối với trường hợp nhẹ có thể được hướng dẫn điều trị tại nhà. Đây là bệnh dễ lây nên cần cách ly người bệnh, không dùng chung đồ dùng cá nhân như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng...; không nên làm việc nặng, cần nghỉ ngơi đến khi khỏi bệnh. Trẻ mắc bệnh không cho đến trường, các khu vực vui chơi công cộng để tránh lây bệnh. Có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không nên tự ý dùng kim châm, chọc hoặc bôi, đắp những các loại lá, vôi, trầu... không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm khuẩn. Giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng.
Nam giới bị quai bị cần chú ý đến biến chứng viêm tinh hoàn. Viêm tinh hoàn thường xảy ra sau khi viêm tuyến mang tai khoảng vài ngày, sẽ có biểu hiện tinh hoàn đau và sưng to, thường kèm với sốt và có thể tự khỏi vài ngày sau đó. Tuy nhiên, quá trình teo tinh hoàn có thể sẽ diễn tiến từ từ ở khoảng 50% những bệnh nhân này dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Trong những trường hợp còn lại, quá trình sinh tinh có thể dần dần trở về bình thường. Đối với trẻ em, nếu có biến chứng viêm tinh hoàn mà không được phát hiện và điều trị tốt có thể gây ra vô sinh sau này. Do đó, nếu có biểu hiện viêm tinh hoàn cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ khám và có biện pháp điều trị phù hợp.
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh quai bị là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vắc-xin phòng bệnh quai bị thường kết hợp với vắc-xin phòng sởi và rubella. Cha mẹ cần chủ động tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
BS. Thu Lan