Thời điểm dậy thì đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành khi đạt tới khả năng sinh sản trưởng thành.
Độ tuổi dậy thì khá khác nhau, từ 9 tới 14 tuổi và phụ thuộc vào khác biệt gien, thay đổi biểu sinh, lối sống và các yếu tố môi trường.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tìm hiểu 1.068 nam giới Đan Mạch ở độ tuổi 19. Họ được yêu cầu hoàn thiện một bảng hỏi gồm thông tin chi tiết về những thay đổi xuất hiện trước, trong và sau khi dậy thì so với bạn bè đồng trang lứa. Kết quả cho thấy nam giới có thời điểm dậy thì sớm hay muộn hơn bạn bè cùng trang lứa có chất lượng tinh trùng kém hơn và tinh hoàn nhỏ hơn ở độ tuổi 19.
Ngoài ra, nam giới dậy thì sớm cũng thấp hơn, có chỉ số khối cơ thể cao hơn và thường xuyên hút thuốc. Dậy thì muộn có liên quan tới những rối loạn tâm lý xã hội cũng như nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch khi trưởng thành. Hơn nữa, khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng cao hơn so với nam giới dậy thì bình thường. Hiểu được ý nghĩa của thời điểm dậy thì với sức khỏe sinh sản trong tương lai là quan trọng vì các nhà nghiên cứu cho rằng thời điểm dậy thì ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân và nguy cơ mắc bệnh sau này.