Nam giới có cần tiêm vaccine phòng HPV?

27-09-2022 08:06 | Bệnh lây truyền

SKĐS - Virus HPV là một trong những chủng virus nguy hiểm không chỉ gây bệnh ở nữ giới mà ở cả nam giới. Vậy, nam giới có cần tiêm vaccine phòng HPV để ngừa một số bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Tiêm vaccine phòng HPV là biện pháp phòng một số bệnh lây truyền qua đường tình dục hiệu quả không chỉ ở nữ giới.

Trong khi phần lớn thông tin về vius HPV tập trung vào phụ nữ, vì có virus sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Nhưng thực tế, virus HPV ở nam giới cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

1. Virus HPV là gì?

Virus HPV là virus gây u nhú ở người và là nguyên nhân gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Virus HPV tiến triển rất âm thầm trong thời gian rất dài, có người mắc virus này nhưng không phát hiện được vì không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng cụ thể nào.

Có 13 chủng HPV nguy cơ cao có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nguy hiểm như mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, vùng miệng họng, ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư.

Nam giới có cần tiêm vaccine phòng HPV? - Ảnh 2.

Virus HPV có thể gây bệnh cả ở nam giới.

Nhiễm trùng HPV phổ biến đến mức gần như tất cả nam giới và phụ nữ sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV lây lan qua tiếp xúc da kề da, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người có virus.

Không có cách nào để biết một người bị nhiễm HPV sẽ phát triển thành ung thư hoặc các tình trạng khác. Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe nếu họ nhiễm virus.

2. Nguy cơ nhiễm HPV ở nam giới

Một số loại HPV liên quan đến ung thư sinh dục có thể dẫn đến ung thư hậu môn hoặc dương vật ở nam giới. Cả hai loại ung thư này đều hiếm gặp, đặc biệt là ở nam giới có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) ước tính rằng vào năm 2022, khoảng 2.070 nam giới ở Mỹ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dương vật và 3.150 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hậu môn.

Nguy cơ ung thư hậu môn ở nam giới đồng tính nam và lưỡng tính hoạt động tình dục cao hơn khoảng 17 lần so với nam giới chỉ quan hệ tình dục với nữ giới. Nam giới nhiễm HIV cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư này cao hơn.

Hầu hết các bệnh ung thư được tìm thấy ở phía sau cổ họng, bao gồm cả ở đáy lưỡi và ở amidan, đều có liên quan đến HPV. Trên thực tế, đây là những bệnh ung thư liên quan đến HPV phổ biến nhất được tìm thấy ở nam giới. Các loại virus HPV khác hiếm khi gây ung thư ở nam giới, nhưng chúng lại gây ra mụn cóc sinh dục.

3. Điều trị nhiễm HPV ở nam giới

Không có phương pháp điều trị nhiễm HPV ở nam giới khi không có triệu chứng. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ điều trị các vấn đề sức khỏe do virus HPV gây ra.

Khi mụn cóc sinh dục xuất hiện, có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Trong một số trường hợp, bác sĩ không khuyến khích điều trị sớm mụn cóc vì mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi. Tuy nhiên, các mụn cóc thường cần một khoảng thời gian nhất định để lộ rõ trên bề mặt cơ quan sinh dục. Tại thời điểm này, đòi hỏi phải kết hợp giữa việc bôi thuốc và một phương pháp điều trị nào đó.

Đối với người mắc sùi mào gà, có thể sử dụng thủ thuật loại bỏ các tổn thương do HPV gây ra, kết hợp với dùng thuốc. Nhưng không phải tất cả các tổn thương do HPV gây ra đều xuất hiện vào cùng một thời điểm. Vì vậy, dù đã được điều trị ngay khi phát hiện những tổn thương đầu tiên thì nguy cơ tái nhiễm vẫn có thể xảy ra. Người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

Trong trường hợp virus HPV có khả năng hình thành tế bào ung thư thì tùy thuộc vào kích thước khối u, mức độ lây lan sang vùng lân cận, tình trạng sức khỏe, có thể lựa chọn một số phương pháp như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật...

4. Nam giới có cần tiêm vaccine phòng HPV?

Nam giới có cần tiêm vaccine phòng HPV? - Ảnh 4.

Tiêm vaccine HPV giúp ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục hiệu quả.

Virus HPV lây lan qua đường tình dục, do đó nếu quan hệ với bạn tình bị nhiễm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh thường rất cao. Để phòng bệnh, cần quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, quan hệ chung thủy một vợ một chồng…

Sử dụng bao cao su có thể giúp hạn chế sự tấn công, xâm nhập virus HPV từ bạn tình đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn ẩn chứa nguy cơ lây lan tại các khu vực bề mặt da không được bảo vệ bởi bao cao su.

Tiêm vaccine sớm khi chưa tiếp xúc với virus HPV là phương pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Độ tuổi thích hợp để tiêm phòng là từ 9-26 tuổi. Việc tiêm vaccine phòng HPV trước khi có hoạt động tình dục có thể giảm tới trên 90% nguy cơ mắc một số loại ung thư liên quan tới HPV.

Vaccine được tiêm làm hai liều, mũi thứ hai được tiêm sau mũi thứ nhất từ 6 đến 12 tháng. Tiêm vaccine phòng HPV cũng được khuyến khích cho tất cả mọi người từ 26 tuổi trở lên (nếu họ chưa được tiêm chủng). Độ tuổi tiêm vaccine có thể kéo dài đến năm 45 tuổi, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Tiêm vaccine phòng cho nam giới là biện pháp phòng bệnh an toàn, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao cho các đối tượng trong độ tuổi được khuyến cáo. Cần tiêm đủ liều, đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Không chỉ gây bệnh ở phụ nữ, HPV đang làm gia tăng ung thư ở nam giớiKhông chỉ gây bệnh ở phụ nữ, HPV đang làm gia tăng ung thư ở nam giới

SKĐS - Nam giới cũng cần phải suy nghĩ về HPV vì ngày càng có nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vùng đầu và cổ mà nguyên nhân là do HPV.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.


BS. Bùi Thị Phương
Ý kiến của bạn