Nấm độc - Kẻ giết người ẩn dật

12-06-2008 10:35 | Thời sự

Trong tháng 3 và tháng 4/2008 lại xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm tại Bản Vén, xã Lương Bằng (Chợ Đồn) và thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông – Bắc Kạn). Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 13 vụ ngộ độc do ăn nấm rừng làm 52 người mắc trong đó 44 người phải nhập viện, tử vong 12 người.

Trong tháng 3 và tháng 4/2008 lại xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm tại Bản Vén, xã Lương Bằng (Chợ Đồn) và thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông – Bắc Kạn). Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 13 vụ ngộ độc do ăn nấm rừng làm 52 người mắc trong đó 44 người phải nhập viện, tử vong 12 người.

Những con số đáng giật mình và những cái chết thương tâm

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Bắc Kạn, chỉ tính từ tháng 3/2004 đến tháng 4/2008, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ ngộ độc nấm, 12 người tử vong. Đa số các vụ mắc và tử vong do ngộ độc nấm rừng thường là cả gia đình, thậm chí có vụ tất cả mọi người đều bị tử vong sau khi ăn nhầm nấm độc. Điển hình là vụ ngộ độc xảy ra vào ngày 28/3/2004 tại thôn Khuổi Ha, xã Chu Hương, huyện Ba Bể, trong cùng một gia đình sau khi ăn canh nấm rừng thì cả 5 người đều bị ngộ độc, mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó 4 người đã tử vong.

Tháng 3/2008, trong dịp đi công tác, chúng tôi được các cán bộ Trạm y tế xã Sĩ Bình (Bạch Thông) và anh Lục Văn Nần (thôn Khuổi Đảng, xã Sĩ Bình) dẫn đi xem các loại nấm độc mọc hoang trên đồi, ven bờ suối cùng những ngôi mộ của cả gia đình bà Hoàng Thị Lụ (thôn Pù Cà, xã Sĩ Bình). Anh Nần kể: “Gia đình chị Lụ có 6 người thì năm 2003 chồng và con trai chị Lụ đã tử vong sau khi ăn nhầm nấm độc, đến ngày 5/4/2005, 4 người còn lại trong gia đình người xấu số đó lại tiếp tục bị ngộ độc do ăn phải nấm lấy trên rừng về chế biến, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện cả 4 người đều bị tử vong. Hai vụ ngộ độc liên tiếp khiến cho gia đình hiện không còn một ai”!!!

Nạn nhân của các vụ ngộ độc nấm nói gì?

Còn rất nhiều những vụ ngộ độc thương tâm như thế xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mà hậu quả để lại là tử vong sau ăn nấm vài giờ, nếu có may mắn thoát chết thì cũng phải nằm điều trị tại các trung tâm chống độc của các bệnh viện Trung ương hàng tháng trời, chi phí chữa trị tính ra từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Anh Triệu Văn Say (dân tộc Dao – nạn nhân vụ ngộ độc nấm xảy ra vào tháng 3/2006 tại xã Kim Lư – Na Rì) cho chúng tôi biết: Một ngày vào tháng 3/2006 trong khi lên rừng lấy măng, người bạn đã rủ anh cùng hái nấm rừng về ăn, trong 4 người cùng ăn thì có 3 người bị tử vong, anh Say được cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau khi nằm điều trị hơn 40 ngày tại bệnh viện, nhờ các thầy thuốc tận tình cứu chữa cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, anh đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng anh cho biết, mặc dù Nhà nước đã miễn một phần viện phí theo chế độ hiện hành song chi phí trong những ngày nằm viện điều trị tính chi ly cũng hết hơn 60 triệu đồng.

Khi được hỏi về nấm độc, các nhân chứng và các nạn nhân may mắn thoát chết từ những vụ ngộ độc này đều nói rằng họ đã được cán bộ y tế tuyên truyền và biết rất rõ là trong nấm dại có loại nấm rất độc, ăn vào rất nguy hiểm cho tính mạng nhưng vẫn cứ lấy về “ăn thử”, hoặc có người lại lý giải: Năm ngoái cũng hái nấm ăn tại chỗ này không bị sao, năm nay thấy nấm mọc lại hái tiếp và kết quả là bị ngộ độc. Trên thực tế có loại nấm lành nhưng khi bị dập nát, để lâu hay bị một loại vi sinh vật ký sinh cũng có thể gây ngộ độc, hoặc trong đám nấm lành đó chỉ cần lẫn một vài cây nấm độc có hình thù tương tự mọc xen vào thì người sử dụng khi ăn phải sẽ bị ngộ độc ngay lập tức và độc tính của nó sẽ tăng lên nếu trước, trong hoặc sau khi ăn nấm nạn nhân có uống rượu.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

 
 
Tuyên truyền về nấm độc phải đủ mạnh để không còn những cái chết đáng tiếc. Ảnh: PV

Nấm độc là nấm có độc tố rất nguy hiểm. Có loại nấm chứa độc tố gây chết người (Amatina phalloides, A.verna...), chỉ cần ăn 50g nấm tươi có thể làm chết ngay một thanh niên trẻ, khỏe mạnh mà không có thuốc nào cứu chữa được. Trong tự nhiên có những loại nấm độc như: nấm màu xanh đen (Amanita Phalloides); nấm độc trắng (Amanita Verna); nấm độc đỏ (Amanita Muscarina); nấm độc nâu (Amanita Pantherina); nấm nhũ khía (Inocybe Patouillardii); nấm phiến đen chân vàng (Agaricus Xanhthodemus)...

Thời điểm này là mùa của nấm rừng phát triển. Nhưng cũng có trường hợp các loại nấm có hình thù màu sắc giống hệt như những loại nấm lành mà người dân thường ăn trước đây có thể mọc rải rác quanh năm. Việc phân biệt nấm lành và nấm độc không đơn giản, nhiều người phân biệt bằng việc quan sát: màu sắc mũ và cây nấm, bao gốc dạng vòng hay dạng gờ, nhưng thật khó có thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc, vì rất nhiều loài nấm độc có vẻ bề ngoài giống nấm lành.

Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều để tuyên truyền cho nhân dân về phòng tránh ngộ độc nấm nhưng do ý thức và trình độ của người dân còn thấp nên tình trạng ngộ độc nấm vẫn xảy ra. Điều này cho thấy tuyên truyền thôi chưa đủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa từ chính quyền cơ sở. Cảnh báo thường xuyên và liên tục mới mong hạn chế những vụ ngộ độc do nấm.

Tạc Văn Nam


Ý kiến của bạn