Văn Cao sinh năm Quý Hợi 1923. Vậy là tuổi Hợi cầm tinh. Thường ngày xưa, khi nói đến “năm tuổi” (năm mình cầm tinh), mọi người đều lo gìn giữ mình để tránh “hạn”. Riêng với Văn Cao, năm Đinh Hợi 1947 là năm ông tròn hai giáp tuổi (tuổi Tây là 24, tuổi ta là 25), thì cũng lại là năm rực rỡ nhất trong sự nghiệp sáng tác thơ, nhạc của mình giữa những ngày đầu trường kỳ kháng chiến.
Ngày ấy, sau Toàn quốc Kháng chiến, Văn Cao đưa cả gia đình vợ chưa cưới (tức là gia đình bà Nghiêm Thúy Băng) về Ba Thá - Chương Mỹ - Hà Đông. Ở đó, Văn Cao vẫn hàng ngày hướng về mặt trận Hà Nội. Nếu nơi mà Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng quan tâm nhất để viết ra trường ca Người Hà Nội và kịch bản phim truyện Lũy Hoa cùng tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô là khu Đông Kinh Nghĩa Thục với 36 phố cổ, thì Văn Cao lại quan tâm đến mặt trận phía cửa Ô Chợ Dừa, nơi có phố Khâm Thiên, có phường Dạ Lạc cầm ca mà ông đã từng viết trong bài thơ dài nổi tiếng Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc đã được Xuân Diệu chọn in trên tạp chí Tiên Phong giữa thu 1945 cùng lời giới thiệu. Ông muốn có một bước chuyển từ giọng thơ siêu thực ngột ngạt mang tuyên ngôn của nhóm Dạ Đài (nhóm thơ cuối cùng trước chiến tranh, sau Thơ Mới và Xuân Thu Nhã Tập) sang giọng thơ hiện thực mới mẻ như Trần Mai Ninh đã thực thi với Nhớ máu và Tình sông núi, như Trần Huyền Trân với Hải Phòng 19/11/1946. Và những ngày đầu năm Đinh Hợi 1947, cũng là những ngày Văn Cao viết nháp bản thảo bài thơ dài Ngoại ô mùa đông 1946. Một năm sau, bài thơ đã in trên tạp chí Văn Nghệ số 2 ở chiến khu Việt Bắc. Giống như hai bạn thơ trên, Văn Cao đã vào cuộc bằng một âm hưởng thơ tràn đầy khẩu khí của con người tự do với ý thức cách mạng phơi phới: Reo lên! A reo lên! Xóm cùng khổ! Reo lên! Reo lên! - Băng mình vào đạn lửa - Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ - Sóng lũ Hồng Hà... Sự kỳ diệu của cách mạng đã biến cả Cửa ô cần lao - cửa ô trụy lạc - cửa ô trầm mặc - Ơi cửa ô cửa ô dài dằng dặc - Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao thành một cửa ô chiến đấu: Cửa ô! Cửa ô! Cửa ô! Sôi nổi - Oai hùng - Dữ dội - A cửa ô nhà đổ thép quằn rung... Bài thơ dài Ngoại ô mùa đông 1946 đã khép lại bằng câu thơ đón mùa xuân Đinh Hợi 1947 mới mẻ và rắn rỏi: Mùa xuân về giữa chiến hào xa.
Việc lớn thứ hai mà Văn Cao thực hiện được trong năm tuổi của mình là việc tổ chức hôn lễ với bà Nghiêm Thúy Băng năm đó mới 17 tuổi (lúc ấy chưa có Luật Hôn nhân như bây giờ. Vả lại, thời ấy với tuổi ấy cũng đã rất chững chạc chứ không như thế hệ 7x, 8x,9x bây giờ). Đám cưới xong và trọn vẹn một tuần trăng mật, theo yêu cầu của đồng chí Lê Giản - Giám đốc Công an Bắc Bộ, Văn Cao đã móc nối với đồng chí Minh già - Công an khu X, lên Lào Cai tổ chức phòng mật, lập ra một mạng lưới đặc biệt nhằm tìm ra và khống chế những gián điệp Tàu Tưởng thâm nhập Tây Bắc. Và thế là vợ chồng Văn Cao lại khăn gói lên đường trong nhịp valse Làng tôi vừa viết xong.
Lên tới Yên Bái, Văn Cao đã gặp Phạm Duy và Tạ Tỵ. Phạm Duy là người bạn đã từng gieo rắc nhạc tình Văn Cao khắp nước, còn Tạ Tỵ là họa sĩ đã rất đồng quan điểm “không dùng hội họa truyền thần sự vật” của Văn Cao từ hồi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Gặp nhau trong buổi nắng tàn xuân thoi thóp trên đầu núi ngọn rừng, trên nỗi điêu tàn của một thị xã bắt đầu tiêu thổ, mấy bạn hữu cùng ngồi ăn cơm. Bữa đó, Văn Cao đã uống tới hai chai rượu vang. Nhưng da mặt cứ tái đi và thái độ vẫn ung dung, hòa nhã như chưa uống giọt nào. Có lẽ Văn Cao vừa vui bạn bè, vừa muốn thắp sáng mình trong suy nghĩ để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt sắp tới.
Lên Lào Cai, Văn Cao quyết định lập bar để làm điểm theo dõi. Để có thể lập bar, Văn Cao đã tìm đến ba thổ ty vùng Lào Cai là Nông Vĩnh Xương ở Mường Khương, Lò Văn Phù ở Bát Xát và Voòng A Tưởng ở Bắc Hà. Một bữa “đào viên kết nghĩa” thật ngoạn mục với một món đặc sắc. Người vợ xinh đẹp của Nông Vĩnh Xương cực kỳ phục tài uống rượu của Văn Cao. Văn Cao bỏ tiền riêng ra cùng góp với ba thổ ty để vào hội thổ ty và lấy vốn chung đó lập bar. Theo yêu cầu, Văn Cao đã làm lễ kết nghĩa anh em với Voòng A Tưởng. Trong buổi lễ, một cây kiếm và một khẩu súng được để bắt chéo trên bàn thờ Tổ quốc. Kẻ nào thay lòng đổi dạ phản bội Tổ quốc thì sẽ chết hoặc vì gươm, hoặc vì súng. Đồng chí Trần Huy Liệu đã nhân danh Trung ương có mặt để chứng kiến.
Thế là quán bar ở Lào Cai được khai trương với sự tham gia của cả Phạm Duy và Ngọc Bích. Khi ấy, Văn Cao với nhiệm vụ đặc biệt của mình đã giấu kín “Văn Cao nghệ sĩ” trong lòng mà chỉ để lộ ra “Văn Cao hiệp sĩ” chủ quán bar mà thôi. Chính nhờ thời gian ở Lào Cai cộng tác với Văn Cao, Phạm Duy đã viết Bên cầu biên giới nổi tiếng. Ai đã tới cầu Cốc Lếu ở Lào Cai, không thể không tưởng tượng giai điệu bài hát Phạm Duy: Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ - Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu... Còn Ngọc Bích thì dào dạt ra Gió mùa chinh phu: Cô nàng dệt lụa hồ thu - mơ người chinh chiến biên khu chốn ấy xa vời...
Văn Cao cùng vợ rời Lào Cai đầu thu Đinh Hợi 1947 và đến khi sang sông Lô thì chiến dịch Việt Bắc Thu Đông đã kết thúc. Đi giữa đoàn bộ đội, ông nhận thấy bên bờ sông Lô còn nghi ngút khói. Và mùa đông buốt giá. Tấm chăn chiên choàng thân ngồi hơ tay trên bếp lửa cùng đồng chí Doãn Tuế - chỉ huy pháo binh Việt Nam với chiến thắng lẫy lừng vừa qua trên sông Lô. Thế là “Văn Cao nghệ sĩ” lại bắt đầu nổi hứng. Ông nghĩ sau Tiến quân ca thành “Quốc ca Việt Nam”, ông đã viết Chiến sĩ Việt Nam cho bộ binh và kỵ binh, Không quân Việt Nam và Hải quân Việt Nam cho các binh chủng tương lai của Vệ Quốc quân. Cũng đó có Bắc Sơn dành cho dân quân du kích. Đã có Công nhân Việt Nam và Làng tôi cho công nhân và nông dân. Và vì thế ông sẽ viết về binh chủng pháo binh non trẻ. Nhưng khi cầm đàn lên, thì cây guitar thân thuộc lại dẫn ông lạc vào một Trường ca sông Lô mênh mang và trở thành tác phẩm bất tử chảy lai láng trong trường kỳ kháng chiến tạo nên một bộ tứ bình sông Lô âm thanh cùng Lô Giang của Lương Ngọc Trác, Chiến sĩ sông Lô của Nguyễn Đình Phúc và Tiếng hát bên sông Lô của Phạm Duy. Hoàng Cầm cũng có một trường ca thơ về sông Lô với hình tượng sông Lô được nhân cách hóa: Em là em bé sông Lô - Em đi theo chị bến bờ là đâu. Trong Trường ca sông Lô của mình, Văn Cao đã đưa vào đó một đoạn về chiến sĩ pháo binh: Thây giặc trôi trở về ngập bờ/ Sông gầm âm vang súng trái phá/ Bao rừng thu như bát ngát cười/ Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công...
Và để nhớ về căn làng Ba Thá mùa xuân Đinh Hợi 1947, Văn Cao đã nhắc lại âm hình Làng tôi trong đoạn kết trường ca: Dòng sông Lô ố trôi chính là Làng tôi xanh bóng tre. Dường như ông đã xem cả bốn mùa trong năm Đinh Hợi 1947 đều là bốn mùa xuân ở tuổi 24 đầy khát vọng mà hát tới mùa xuân sau: Mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh bóng tre. Và mùa xuân Mậu Tý 1948 đã tới khi Văn Cao trở thành người cha trong gia đình với khúc Serénate mùa xuân còn ít người biết đến và cậu con trai đầu lòng.
Nhưng đã là năm tuổi, “đã mang nghiệp vào thân” thì thế nào cũng có năm gặp hạn. Văn Cao đã âm thầm đón nhận mùa xuân Kỷ Hợi 1959 và mùa xuân Tân Hợi 1971 như thế. Chỉ đến mùa xuân Quý Hợi 1983, khi ông tròn 60 tuổi, thì sự may mắn mới trở lại. Năm đó, Văn Cao đã được bầu trở lại làm Ủy viên chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ III và Hội đã tổ chức cho ông một sinh nhật tưng bừng với việc hát trở lại những tình ca lãng mạn thời tiền chiến của ông như Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi. Đó là thập nhị chi “phục sinh” của Văn Cao ở vị trí bậc tài danh thế kỷ. Đến năm Ất Hợi 1995, cùng với việc hiện diện Tuyển tập thơ Văn Cao là sự thật đau buồn về đám tang ông ở tuổi 72. Cũng là năm tuổi và gặp đại hạn.