1. Sử dụng retinol nhưng vẫn nám da, nguyên nhân do đâu?
1.1 Nám da do bắt nắng
Khi mới bắt đầu sử dụng retinol sẽ có dấu hiệu bong tróc da nhẹ. Nhiều người tưởng đây là quá trình bào mòn da, lớp và "da non" dễ bị cháy nắng. Nhưng thực tế retinol kích thích tăng sinh sản xuất collagen, thúc đẩy các tế bào mới phát triển làm dày da hơn chứ không phải làm mỏng da như lầm tưởng.
Retinol (là retinoids thế hệ 1) kém bền và bị phá vỡ bởi ánh nắng mặt trời, làm cho nó không ổn định và kém hiệu quả. Tuy nhiên đây không phải là lý do khiến làn da trở lên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Retinol cũng đã được nghiên cứu và cho thấy rằng chúng không làm tăng nguy cơ cháy nắng, nhưng vẫn có tình trạng sạm đen hơn sau khi sử dụng. Đây là do sự kích ứng da khi mới sử dụng (tăng sắc tố sau viêm) cũng như tế bào mới phát triển, cũng dễ bị tác động bởi ánh nắng hơn nếu không thực hiện bước chống nắng bằng kem và che chắn da kỹ càng.
1.2. Dùng retinol không cần tẩy tế bào chết
Retinol thúc đẩy quá trình phát triển của tế bào và gây ra tác dụng phụ như bong tróc da nhẹ. Nhưng đây không phải là khả năng tự loại bỏ tế bào hay làm đứt gãy các liên kết tế bào chết (như sản phẩm tẩy da chết). Tình trạng bong tróc cũng chỉ xuất hiện thời gian đầu rồi giảm dần do đó không thể thay thế cho tế bào chết trong chu trình chăm da.
Nếu sử dụng retinol mà bỏ qua hẳn bước tẩy da chết thì hiệu quả chăm sóc da sẽ giảm, da vẫn nám sạm.
1.3. Chọn nồng độ cao
Thực tế nhiều người khi mới bắt đầu sử dụng retinol đã nghĩ cần dùng nồng độ cao mới hiệu quả. Tuy nhiên, dùng ngay nồng độ cao có thể giúp bạn nhận ra rằng đẹp chưa thấy mà hại thì ngay trước mắt.
Với retinol hay các sản phẩm treatment (sử dụng liệu trình có hoạt chất mạnh, đi sâu vào lỗ chân lông dưới da, giúp da cải thiện các vấn đề mà các hoạt chất nhẹ, bình thường không làm được), khi mới sử dụng không phải cứ nồng độ mạnh là tốt. Bởi khi mới sử dụng sản phẩm treatment mà dùng nồng độ mạnh sẽ không mang lại hiệu quả mà còn khiến da bị kích ứng nặng nề, nám sạm hơn.
Do đó cần tham khảo hướng dẫn từ người có chuyên môn và sử dụng từ từ từng cấp độ tăng dần chứ không nên vội vàng.
1.4. Không dùng cho vùng mắt
Da vùng mắt mỏng manh và nhạy cảm. Hơn nữa khi thoa kem vào vị trí da vùng mắt nếu không cẩn thận sẽ khiến kem dính vào mắt, gây cay mắt. Do đó nhiều người bỏ qua bước chăm sóc da vùng mắt.
Tuy nhiên, đây là vị trí thường xuất hiện dấu hiệu lão hóa sớm như nếp nhăn rõ rệt. Nếu không giúp da quanh mắt sáng và bớt nhăn thì hiệu quả làm sáng da cho cả khuôn mặt sẽ bị giảm. Do đó việc dùng retinol giúp kích thích collagen ở da vùng này là rất cần thiết. Tuy nhiên cần sử dụng sản phẩm kem mắt phù hợp, riêng với kem vùng da mặt. Bởi sản phẩm vùng da mặt có nồng độ mạnh hơn nhiều.
2. Cách sử dụng retinol chống lão hóa hiệu quả và an toàn
Retinoid được cho là một trong những thành phần ngăn ngừa da lão hóa tốt nhất sau kem chống nắng. Chống lão hóa là ngăn cản, làm chậm quá trình lão hóa, do đó cần thực hiện từ sớm mới hiệu quả cao. Khi tình trạng lão hóa, nám sạm, thâm, nếp nhăn đã xuất hiện nhiều mới thực hiện quy trình chống lão hóa, thì hiệu quả chỉ là làm giảm nhẹ chứ không được như ban đầu.
Từ sau 20 - 25 tuổi, các dấu hiệu của lão hóa đã dần xuất hiện dù chúng rất mờ nhạt và gần như không nhận ra. Lúc này nếu da được chăm sóc tốt thì quá trình lão hóa sẽ chậm lại.
Những lưu ý khi dùng retinol chống lão hóa:
- Bắt đầu dùng retinol từ sau 20 tuổi: Sau 20 tuổi, làn da bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa, lượng collagen trong da suy giảm. Lúc này bạn sẽ bắt đầu thấy nếp nhăn, các đốm nâu, vết chân chim hiện rõ. Sử dụng retinol trong lúc này sẽ giúp giảm thiểu các dấu hiệu trên, giữ da trẻ đẹp lâu dài.
- Bắt đầu từ từ và nhẹ nhàng: Khi mới bắt đầu sử dụng retinol, nên chọn những công thức dịu nhẹ, từ 0,3 - 0,5% và dùng với tần suất 2 - 3 lần/tuần. Sau đó da quen thì có thể tăng lên 1% và có thể dùng hằng ngày.
Ngoài ra, không nên dùng retinol cùng lúc với các sản phẩm tẩy tế bào chết, vì chúng có thể khiến da càng thêm mỏng và nhạy cảm hơn.
- Không nên sử dụng retinol bằng mọi cách: Retinol được cho là "thành phần vàng" trong chống lão hóa, nhưng cũng không sử dụng bằng bất kỳ giá nào. Việc sử dụng retinol có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng, da khô, nhạy cảm, bong tróc... Do đó, nếu sở hữu làn da nhạy cảm và dễ kích ứng thì không nên chỉ nghĩ đến dùng retinol, mà có thể chuyển sang sử dụng các thành phần chống lão hóa khác như chiết xuất trà xanh, peptide...
- Chỉ nên dùng retinol buổi tối và bôi kem chống nắng vào ban ngày: Retinol có thể khiến da nhạy cảm hơn với tia UV và ánh nắng cũng sẽ làm giảm hiệu quả của retinol. Do đó, nên bôi retinol vào ban đêm và đừng quên bôi kem chống nắng và che kín da vào ban ngày để bảo vệ da.
- Đừng chỉ dùng retinol cho vùng mặt: Bên cạnh da mặt thì vùng da cổ cũng là những nơi xuất hiện các dấu hiệu lão hóa rất sớm. Khi nhìn da cổ sẽ đánh dấu được dấu hiệu của lão hóa và tuổi tác. Vì thế, thay vì chỉ bôi retinol cho mặt thì cũng nên thoa cho da cổ để duy trì nhan sắc trẻ đẹp.
Mời độc giả xem thêm video:
4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải