Nấm da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

09-10-2024 17:05 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nấm sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, độ ẩm cao và da đầu là nơi lý tưởng.

1. Tổng quan về bệnh nấm da đầu

Nấm da đầu là bệnh nhiễm trùng da đầu do nhiễm vi nấm ngoài da. Da bình thường có nhiều loại vi nấm sống trên đó, bao gồm các loại nấm men như Candida, Dermatophytes. Khi gặp điều kiện thuận lợi, nấm Candida hoặc Dermatophytes có cơ hội tụ tập và phát triển quá mức, nó có thể gây viêm da.

Nấm sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, độ ẩm cao và da đầu là nơi lý tưởng.

Nấm sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, độ ẩm cao và da đầu là nơi lý tưởng.

Nấm da đầu có thể gây ra các mảng vảy, đỏ, hói ở bất cứ đâu trên da đầu. Ở những tuýp da sẫm màu, những mảng này có thể có màu nâu hoặc xám. Điều này có thể lan rộng khắp da đầu, tạo ra nhiều đốm riêng biệt.

Về mặt lâm sàng, bệnh nấm da đầu có thể được chia thành 2 loại là: viêm và không viêm. Loại không viêm thường sẽ không gây biến chứng rụng tóc để lại sẹo. Loại viêm có thể dẫn đến kerion (nấm tổ ong da đầu), nốt đau có mủ và rụng tóc có sẹo.

Dựa trên vị trí ảnh hưởng, có thể chia nấm da đầu thành 3 loại chính:

  • Endothrix: ảnh hưởng đến thân tóc do nấm Trichophyton tonsurans gây ra.
  • Ectothrix: ảnh hưởng đến vỏ ngoài chân tóc do Microsporum canis gây ra.
  • Favus: có phản ứng viêm, đóng vảy và rụng tóc, do Trichophyton schoenleinii gây ra.

2. Nguyên nhân gây nấm da đầu

Hai chủng vi nấm được xem là nguyên nhân chính gây nấm da dầu là Microsporum và Trichophyton. Chúng gây ra hầu hết các bệnh nhiễm vi nấm trên da đầu. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh nấm da đầu.

  • Nấm dermatophytes. Nấm da đầu do các loài Dermatophytes gây ra, chúng có khả năng lây nhiễm vào các mô keratin và keratin hóa bao gồm cả tóc.
  • Vệ sinh cá nhân kém. không gội đầu thường xuyên, rất dễ phát triển nấm da đầu. Bã nhờn, khói bụi, vi khuẩn,… tích tụ gây mất cân bằng môi trường vi sinh vật trên da đầu, dễ gây nấm và nhiều bệnh về da khác.
  • Môi trường ẩm ướt. Một người có thể bị nhiễm trùng gây nấm da đầu từ người khác, động vật hoặc môi trường ẩm ướt, chẳng hạn như hồ bơi công cộng.
  • Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như mũ nón, lược chải tóc, khăn,… dễ bị lây nhiễm vi nấm và gây viêm da đầu.
  • Suy giảm miễn dịch có thể dẫn đến suy giảm sự phát triển và sức mạnh của thân tóc, dẫn đến việc nấm xâm chiếm dễ dàng hơn.
  • Các bệnh liên quan khác làm suy yếu hệ miễn dịch bao gồm: Bệnh tiểu đường. Sử dụng steroid kéo dài. Ung thư. Thuốc ức chế miễn dịch. Thiếu máu.
  • Thói quen xấu của một số người như không sấy tóc khô hẳn, lười gội đầu…

3. Triệu chứng nấm da đầu

Nấm da đầu có những dấu hiệu điển hình:

  • Một hoặc nhiều mảng tròn, có vảy hoặc bị viêm ở da đầu. Các mảng lớn dần và có các chấm đen nhỏ ở nơi tóc bị gãy.
  • Tóc giòn hoặc dễ gãy, dễ bị giật.
  • Các vùng da đầu nhạy cảm hoặc đau.
  • Nhiễm nấm da đầu gây phát ban ngứa trên da đầu, kèm các mảng vảy trắng, bong tróc.

4. Điều trị nấm da đầu

Cách điều trị bệnh nấm ở da đầu cần dùng thuốc chống nấm theo toa bằng đường uống và đường thoa. Thuốc thường được lựa chọn đầu tiên là griseofulvin. Các lựa chọn thay thế có thể được sử dụng nếu griseofulvin không có tác dụng hoặc người bệnh bị dị ứng với thuốc. Chúng bao gồm terbinafine, itraconazole và fluconazole.

Người bệnh có thể cần dùng thuốc liên tục trong 6 – 8 tuần, cho đến khi tóc mọc lại. Thông thường, nếu điều trị thành công, các vết hói do nấm da đầu sẽ mọc lại tóc và da sẽ lành lại mà không để lại sẹo.

Có thể sử dụng thêm dầu gội thảo dược, các nguyên liệu có sẵn như vỏ bưởi, chanh, muối.

Cách điều trị bệnh nấm ở da đầu cần dùng thuốc chống nấm theo toa bằng đường uống và đường thoa. Ảnh minh họa

Cách điều trị bệnh nấm ở da đầu cần dùng thuốc chống nấm theo toa bằng đường uống và đường thoa. Ảnh minh họa.

5. Phòng ngừa nấm da đầu

Loại nấm gây ra bệnh nấm da đầu rất phổ biến và bệnh dễ lây lan ngay cả trước khi các triệu chứng xuất hiện. Thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ mắc bệnh nấm da đầu:

  • Nhận thức được nguy cơ nhiễm nấm bệnh từ người hoặc vật nuôi bị nhiễm bệnh.
  • Gội đầu thường xuyên, đặc biệt là sau khi cắt tóc.
  • Giữ da sạch và khô.
  • Rửa tay sạch, nhất là sau khi chơi với vật nuôi.
  • Giữ sạch sẽ các khu vực chung, đặc biệt là ở trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em, phòng tập thể dục và phòng thay đồ.
  • Tránh xa động vật bị nhiễm bệnh. Thú cưng hoặc các động vật khác thường mang nấm ngoài da, hãy đến bác sĩ thú y kiểm tra xem chúng có bị nhiễm nấm hay không.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.

Xem thêm video được quan tâm

Đơn giản mà hiệu quả: Thử ngay bài tập hít thở giúp cải thiện tình trạng bệnh "hay quên" | SKĐS


Bs. Vũ Khanh
Ý kiến của bạn