Nấm da đầu có chữa dứt điểm được không?

04-07-2023 10:11 | Dược

SKĐS - Nấm da đầu là một bệnh lý da liễu thường gặp và phát triển nhiều vào mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Mặc dù không phải là bệnh có thể gây nguy hiểm, nhưng bệnh có các triệu chứng khó chịu, dễ lây và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

1. Nguyên nhân gây bệnh nấm da đầu

Nấm da đầu do hai loại nấm sợi là Microsporum và Trichophyton gây ra. Khi da đầu ẩm ướt, đặc biệt là do mồ hôi đã tạo điều kiện cho nấm sợi xâm nhập vào các sợi tóc, gây ra vảy gàu và ngứa ngáy.

Các yếu tố khiến nấm sợi phát triển nhanh do:

- Vệ sinh: Nếu da đầu không được vệ sinh sạch, kết hợp với mồ hôi là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Đặc biệt khi để đầu bẩn, kết hợp với ngứa do nấm xuất hiện, dẫn đến nhu cầu cào gãi mạnh da đầu, sẽ khiến da đầu bị tổn thương.... cũng tạo điều kiện giúp vi nấm, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong da đầu và phát triển mạnh hơn.

- Lây nhiễm: Nấm da đầu là bệnh dễ lây, do đó khi sử dụng chung các đồ dùng (khăn lau tóc, lược chải đầu, ga gối…) sẽ khiến bệnh càng dễ hơn.

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, thì các nguyên nhân khác như sử dụng nguồn nước bẩn, để tóc ẩm và đi ngủ… cũng tạo ra môi trường thuận lợi để nấm sợi phát triển.

Nấm da đầu và cách trị dứt điểm - Ảnh 1.

Nấm da đầu khiến da đầu ngứa, nhiều gàu.

2. Triệu chứng khi bị nấm da đầu

Khi bị nấm da đầu, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng gây khó chịu, như:

- Xuất hiện nhiều gàu, ngứa, kể cả khi mới gội đầu.

- Da đầu nổi mụn: Khi tình trạng gàu và ngứa nhiều nếu không chú ý và điều trị sớm ở giai đoạn này, bệnh sẽ tiến triển khiến da đầu mọc mụn đỏ, li ti.

- Rụng tóc: Triệu chứng này xuất hiện ở giai đoạn muộn, khoảng 20-30 ngày sau khi nhiễm bệnh. Giai đoạn này nếu không điều trị, tóc sẽ rụng ngày càng nhiều. Tóc có thể rụng thành từng mảng, không thể kiểm soát được, tạo các mảng hói. Có thể xuất hiện triệu chứng viêm da lan rộng ở vùng da đầu.

Lúc này, việc dùng dầu gội, kết hợp thuốc bôi và thuốc uống để loại bỏ nấm gây bệnh và phục hồi cho nang tóc là biện pháp bắt buộc. Nếu như không có cách trị nấm da dầu triệt để sẽ khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, gây ra các biến chứng khó điều trị.

3. Biện pháp điều trị nấm da đầu

Biến chứng của bệnh nấm da đầu dẫn đến da đầu bị viêm nhiễm nặng, chảy mủ và sưng phồng. Do đó, cần phải phát hiện bệnh ngay từ sớm, khi triệu chứng còn nhẹ để điều trị nấm da đầu triệt để từ lúc này.

3.1. Vệ sinh da đầu

Khi mới bắt đầu có dấu hiệu của nấm da đầu, việc điều trị có thể chỉ cần gội đầu hàng ngày để loại bỏ nấm và tóc rụng. Dầu gội đầu trị nấm có chứa hoạt chất sulfide selenium hoặc nizoral có tác dụng tốt với giai đoạn mới nhiễm nấm. Sau khi gội đầu nên phủ khăn trùm kín tóc khoảng 30 phút rồi mới sấy khô.

Lưu ý quá trình gội đầu không được chà xát hoặc cào gãi mạnh.

Ngoài dầu gội đầu trị nấm, có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên sau cũng giúp nấm da đầu thuyên giảm:

- Chanh tươi: Dùng nước cốt chanh tươi pha loãng với tỉ lệ 50/50 rồi thoa đều lên tóc, nhẹ nhàng massage khoảng 15 phút, sau đó gội sạch. Các acid trong quả chanh tươi có tác dụng loại bỏ nấm gây bệnh.

- Dầu dừa: Vạch tóc để lộ phần da đầu, thoa dầu dừa làm sao cho dầu dừa thấm đều trên da. Sau đó massage khoảng 5 phút rồi gội lại đầu. Dầu dừa có tác dụng giảm ngứa và nuôi dưỡng tóc, giúp giảm rụng tóc.

Khi có dấu hiệu bội nhiễm, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và kê đơn thuốc.

Nấm da đầu và cách trị dứt điểm - Ảnh 3.

Gội đầu sạch thường xuyên và không chà xát, cào gãi mạnh để phòng ngừa nấm da đầu.

3.2. Dùng thuốc điều trị nấm da đầu

Nếu các biện pháp vệ sinh da đầu mà bệnh không đỡ hoặc có tiến triển nặng hơn, cần cắt tóc ở vùng da đầu bị nấm rồi bôi thuốc diệt nấm ketoconazol, econazol… Nấm da đầu nặng cần điều trị kết hợp thuốc bôi và thuốc uống. Tùy chủng nấm gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống nấm phù hợp.

- Thuốc bôi: Trước khi bôi thuốc, cần loại bỏ tóc vùng bị nấm để tăng hiệu quả của thuốc. Các thuốc bôi như clotrimazol, naftifine hoặc miconazol có tác dụng giảm ngứa và loại bỏ nấm gây bệnh.

- Thuốc uống: Khi dùng dầu gội và thuốc bôi chống nấm mà bệnh vẫn không lui, cần kết hợp với thuốc uống. Các thuốc uống chống nấm như traconazole, fluconazole, ketoconazole được chỉ định từ 2 đến 4 tuần. Các thuốc này có tác dụng phụ gây đau bụng, đặc biệt ở trẻ em thì tác dụng phụ còn dễ gặp và nặng hơn. Do đó nên thận trọng sử dụng trong các trường hợp nấm ở trẻ.

Thuốc chống nấm griseofulvin hoặc terbinafine dùng từ 6-8 tuần. Nên dùng thuốc cùng bữa ăn có nhiều chất béo để hấp thụ thuốc tốt hơn và giảm tác dụng phụ. Đối với trẻ em, khi sử dụng thuốc cần phải theo dõi liên tục để có thể can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu bất thường. Thuốc có tác dụng phụ gây buồn nôn, đau bụng, nổi mề đay, chóng mặt...

4. Phòng ngừa nấm da đầu

Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, do đó, khi ngày hè nóng nực, nhiều mồ hôi, cần giữ vệ sinh sạch sẽ:

  • Tắm gội thường xuyên.
  • Luôn để đầu tóc sạch sẽ, khô ráo.
  • Sấy tóc khô ngay sau khi gội đầu.
  • Gội đầu ngay sau khi tóc dính nước mưa.
  • Không đội mũ chật, đội mũ quá lâu khiến tình trạng mồ hôi đọng lâu trên da đầu.
  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, giường ngủ…
  • Tránh dùng chung các đồ dùng với người bệnh (khăn tắm, lược chải tóc, mũ đội đầu…).

Mời độc giả xem thêm video:


Ai không nên ăn lạc | SKĐS

BS.Lê Đức
Ý kiến của bạn