Nấm có thể giúp ngừa loãng xương và bệnh tim mạch?

19-09-2023 17:02 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS – Loãng xương và các bệnh tim mạch có thể dẫn tới tàn tật và tử vong. Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn tới các tình trạng sức khỏe này. Việc bổ sung những thực phẩm tốt cho sức khỏe như nấm vào chế độ ăn uống có thể giúp hỗ trợ xương và trái tim khỏe mạnh.

1. Nấm cung cấp nguồn vitamin D tự nhiên giúp ngăn ngừa loãng xương

Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi, rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe và ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương. Trong khi ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính, nhưng nhiều người vẫn không nhân đủ vitamin D từ ánh sáng mặt trời.

Rất ít thực phẩm tự nhiên có vitamin D, nhưng nấm lại là nguồn thực phẩm giàu dưỡng chất này. Nấm chứa ergosterol, dưới tác động của tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời, chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin D2.

Tuy nhiên, lượng vitamin D chứa trong nấm cũng khác nhau và phụ thuộc vào thời gian nấm tiếp xúc với tia UV. Loại nấm tươi hoang dã chứa nhiều vitamin D nhất, vì tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên của mặt trời. Đối với loại nấm bán trong siêu thị, được trồng trong môi trường tối, có kiểm soát trong nhà sẽ có ít vitamin D hơn. Để tăng cường vitamin D cho nấm, một số nhà sản xuất cho nấm tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời tự nhiên hoặc đèn UV.

photo-1695105611010

Nấm tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

2. Ăn nấm giúp tăng cường sức khỏe tim mạch

Nấm rất giàu chất xơ cả hai loại: Chất xơ không hòa tan và chất xơ hòa tan. Cơ thể cần cả hai loại chất xơ này.

Beta – glucan là một loại chất xơ hòa tan được tìm thấy trong nấm, tạo thành chất giống như gel trong đường tiêu hóa. Gel này ‘bẫy’ cholesterol và chất béo trung tính, ngăn cơ thể hấp thụ chúng trong quá trình tiêu hóa, giúp giảm mức cholesterol trong máu.

Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nấm tươi là sự lựa chọn hoàn hảo để kiểm soát cân nặng vì chúng có hàm lượng nước cao, ít chất béo và giàu chất xơ. Đây là ba yếu tố giúp bạn cảm thấy no với ít calo hơn.

Nấm còn giúp bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể. Nấm tươi chứa hàm lượng L-ergothioneine đáng kể, hoạt động như một chất chống oxy hóa. Ergothioneine không bị phân hủy khi đun nóng, do đó sẽ không bị hao hụt khi nấu chín.

Ergothioneine có liên quan đến việc giảm mức chất béo trung tính và giúp ngăn ngừa sự hình thành mảng bám động mạch, một tác nhân chính gây ra bệnh tim.

Một nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa lượng ergothioneine từ chế độ ăn uống và chức năng tim mạch tốt hơn. Các nhà khoa học nhận thấy, những người có nồng độ ergothioneine trong huyết tương cao hơn, giảm nguy cơ tử vong sớm do các bệnh về tim hoặc mạch máu.

3. Nấm giúp cải thiện huyết áp

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nấm có trong chế độ ăn DASH và Địa Trung Hải mang lại lợi ích đáng kể cho bệnh nhân tăng huyết áp. Ngoài ra, nấm còn chứa nhiều vitamin như cobalamin, riboflavin, thiamine, vitamin D, axit ascorbic và các khoáng chất, bao gồm magiê, natri, canxi sắt, mangan, kali, phốt pho và đồng.

Nấm cũng chứa hàm lượng flavanol cao, đặc biệt là quercetin và các enzyme tiêu sợi huyết, có tác dụng làm giãn mạch và ức chế mảng bám mạch máu trong động mạch, ngăn ngừa tăng huyết áp…

Ăn nấm, giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?Ăn nấm, giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

SKĐS - Ung thư tuyến tiền liệt (TTL) là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở đàn ông. Việc điều trị loại ung thư này đã đang được cải thiện, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Mời độc giả xem thêm video:

6 loại thực phẩm không tốt cho người viêm khớp


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn