Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chuột và người lại khác, chuột luôn là đối tượng để con người “tìm và diệt” vì đặc tính sinh thái và tác hại của loài chuột đối với con người.
Việt Nam ghi nhận được khoảng 30 loài chuột, thường gặp nhất là các loài chuột cống, chuột nhắt, chuột đồng, chuột chù,...Chuột có khả năng sinh sản rất mạnh, sinh sản quanh năm, nhưng thường mạnh nhất vào tháng 11 đến tháng 2 hàng năm.Với bản năng gặm nhấm liên tục và tốc độ sinh sản nhanh chóng, chuột được xem như là động vật gây hại hàng đầu đối với đời sống và sinh hoạt của người.Đồng thời cũng là ổ chứa thiên nhiên của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trong tranh dân gian Việt Nam, chuột được nhắc đến trong dòng tranh Đông Hồ nói chung hay bức tranh đám cưới chuột nói riêng cho tới nay vẫn luôn là một trong những giá trị văn hóa được người đời gìn giữ và ưa chuộng. Chỉ với bối cảnh là một đám cưới chuột giản dị, mang đậm bản sắc dân tộc. Nhưng đâu đó, người xem lại có thể trải nghiệm và suy ngẫm ra biết bao ẩn ý sâu xa đằng sau những hình vẽ sinh động.
Cho đến nay, chuột trong mắt chúng ta vẫn là một loại sinh vật gây hại đáng ghét, một “kẻ cắp” chuyên ăn thực phẩm của con người. Thế nhưng qua hàng thế kỷ nay, con người cũng đang trở thành “kẻ cắp” của loài chuột; thậm chí, một số loài chuột đặc biệt đã trở thành “ân nhân” bất đắc dĩ của con người, chúng được dùng trong nghiên cứu y sinh học.
Chuột - nguồn lây bệnh
Loài chuột có thể làm lây lan rất nhiều bệnh khác nhau. Có những bệnh lây trực tiếp từ chuột sang người qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cắn của chuột như sốt xuất huyết, dịch hạch, bệnh Leptospirose, sốt chuột cắn, nhiễm khuẩn Salmonella… Ngoài ra, có những bệnh lây từ chuột sang người thông qua vật trung gian là bọ chét hoặc ve như bệnh dịch hạch. Một số bệnh do chuột có thể gặp ở Việt Nam như sốt chuột cắn, sốt xuất huyết với hội chứng thận, dịch hạch, bệnh Leptospirose, nhiễm khuẩn Salmonella…
Hầu hết các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, ricketsia) được thải ra ngoài qua phân, nước tiểu, nước bọt của chuột nhiễm bệnh. Người bị nhiễm do da bị trầy xước hoặc niêm mạc tiếp xúc nước, đất ẩm, cây cối, đồ vật nhiễm chất thải của động vật mang bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, phân của động vật mang bệnh (đối với các bệnh như vàng da xuất huyết do xoắn khuẩn Lepto, sốt xuất huyết với hội chứng thận do Hantavirus…). Một số bệnh khác lây sang người bệnh qua vết cắn như bệnh dại, sốt do chuột cắn.
Bên cạnh đó, chuột là nguồn lây bệnh nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella thông qua việc chúng thải phân mang những chủng Salmonella gây bệnh làm ô nhiễm thức ăn, nước uống của người.
Bên cạnh những bệnh lây truyền trực tiếp từ chuột sang người, còn có những bệnh lây qua côn trùng trung gian, có thể kể đến căn bệnh từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại trong đó có Việt Nam - bệnh dịch hạch lây qua bọ chét.
Giải pháp phòng ngừa
Các bệnh do chuột lây truyền hầu hết đều chưa có vắcxin phòng ngừa, thậm chí nhiều bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị.
Vì vậy, để phòng ngừa, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột và chất thải của chuột cũng như chăm sóc y tế đúng cách sau khi bị vết thương do chuột gây ra.
Săn bắt chuột đồng ở miền Tây
Các vết cào, cắn do chuột có thể là đường vào của các bệnh như dại, sốt chuột cắn. Vì vậy các vết thương này cần được chăm sóc y tế đúng mức như rửa sạch bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc povidin.Người bị thương cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh.
Chuột là nguồn thực phẩm
Hiện nay, nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Đồng Tháp, Cần Thơ,… thịt chuột như là một món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, người ta cũng đưa chuột vào danh sách các món ăn hấp dẫn.
Từ lâu, chúng ta đã dùng thịt chuột làm thực phẩm và chế biến thành nhiều món ăn như: thịt chuột hấp lá chanh, thịt chuột nướng, thịt chuột xào lăn, thịt chuột xào rau răm,… Một thực tế, chuột là loại động vật có thể ăn được, về bản chất, thịt chuột có thể ăn được và thành phần dinh dưỡng có trong thịt chuột cũng không hề thua kém thịt gà, vịt, lợn,…
Nhiều phân tích dinh dưỡng còn chỉ ra rằng trong thịt chuột đồng chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, lipid, canci, photpho và các vitamin quan trọng khác.Thậm chí, nếu như các loại gia cầm và lợn ăn nhiều cám công nghiệp, chuột đồng đa phần chỉ ăn thóc, lúa, cua, ốc nên thịt chuột đồng được cho là thực phẩm sạch.
Thịt chuột như là một món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích
Ngoài ra, thịt chuột đồng còn được coi là bài thuốc quý.Đông y cho rằng thịt chuột đồng có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương cốt. Riêng gan chuột có vị đắng, tính ấm, giúp trừ cam tích, bình can, cường khí huyết, giúp mắt sáng.
Tuy nhiên, thịt chuột không đảm bảo an toàn thực phẩm lại có khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng, nhất là khi ăn phải thịt chuột cống hoặc thịt chuột bị đánh bả, bị bệnh tật.
Lo lắng về an toàn thực phẩm
Mặc dù thịt chuột lành tính và có giá trị dinh dưỡng cao nhưng có không ít trường hợp phải nhập viện sau khi ăn món đặc sản này bị đau bụng dữ dội, buồn nôn, tiêu chảy,... Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc là do ăn nhầm thịt chuột cống, ăn phải con chuột không khỏe mạnh.
Do đô thị hóa, ruộng đồng sản xuất dần thu hẹp thay vào đó là những khu công nghiệp, khu đô thị, vì vậy chuột đồng dần trở nên khan hiếm nên nhiều người vì trục lợi đã bắt chuột cống - loại hay chui trong cống rãnh, ăn rất nhiều vi khuẩn và các chất độc hại, để bán cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, có thể con chuột đồng bị dính bả hoặc đã chết khi đánh bắt nhưng vì hám lợi người bán không bỏ đi mà vẫn bán cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bản thân con chuột cũng có thể mang một số mầm bệnh mà chúng ta không thể biết, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch. Bệnh dịch hạch có thể bị lây nhiễm khi sơ chế, người tiếp xúc có vết thương hở trên da.Mà đây là một bệnh truyền nhiễm, có thể lây trực tiếp qua đường hô hấp nên nếu một người mắc bệnh sẽ dễ bùng phát thành dịch lớn. Do đó, người tiêu dùng không nên ăn nếu không chắc chắn đó là thịt chuột đồng khỏe mạnh.
Vì vậy, mọi người cần đặc biệt cẩn trọng khi ăn thịt chuột, chỉ ăn khi chắc chắn đó là thịt chuột đồng và con chuột còn khỏe mạnh, nếu không chắc tuyệt đối không ăn.Hạn chế ăn thịt chuột ở bán bên ngoài vì rất khó biết được chính xác nguồn gốc cũng như chất lượng thịt chuột đồng.