Hà Nội

Nam bệnh nhân mắc bệnh hiếm có tỷ lệ tử vong chiếm 30%

17-01-2023 16:37 | Y tế
google news

SKĐS - Anh L.V.T. 53 tuổi, đau bụng, mạch nhanh, huyết áp thấp, thiếu máu cấp...sau khi được sơ cứu ở tuyến dưới được chuyển ngay lên tuyến trên nghi ngờ vỡ túi phình động mạch vùng đầu tụy xuất huyết vào ổ bụng.

Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí hồi sức truyền dịch, truyền máu…Kết quả chụp cắt lớp vi tính có cản quang ghi nhận hình ảnh túi phình vùng đầu tụy kèm dịch máu trong ổ bụng.

Bệnh nhân có chỉ định chụp và nút mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền cấp cứu. Ê kíp can thiệp do BSCKI. Trần Công Khánh – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Trung ương Cần Thơ thực hiện.

Hình ảnh túi phình trước và sau can thiệp

Kết quả ghi nhận, phình nhánh nối động mạch mạc treo tràng trên và nhánh vị-tá của động mạch thân tạng. BS tiến hành luồn chọn lọc vi ống thông vào ổ giả phình, xác định vị trí và nút tắc bằng coil (vòng xoắn kim loại), thủ thuật thực hiện thành công với thời gian 60 phút .

Sau can thiệp, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, được chuyển Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu theo dõi, điều trị tiếp. Hiện tại bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, niêm hồng, không xuất huyết tái phát. Dự kiến ra viện vào ngày mai 18/01/2023.

Theo các bác sĩ, phình động mạch tá - tụy là một tình trạng hiếm gặp (khoảng 2% trong tất cả các phình mạch các tạng, chúng hình thành sau chấn thương, phẫu thuật, viêm-nhiễm trùng tuyến tụy, túi mật hoặc ít phổ biến hơn là viêm mạch hệ thống) nhưng đe dọa tính mạng người bệnh.

Phình động mạch tá - tụy thường không có triệu chứng và được chẩn đoán tình cờ. Các phình động mạch tá - tụy có triệu chứng có thể xuất hiện với các triệu chứng như: đau bụng với sốc giảm thể tích do xuất huyết trong ổ bụng là phổ biến nhất. Phình động mạch tá - tụy cấp tính có tỉ lệ tử vong cao, khoảng 20-30%.

Động mạch tá tụy chia thành hai nhánh khi đi xuống, một nhánh trước và một nhánh sau. Khi một trong các nhánh này do bệnh lý gây tổn thương, thành mạch mất tính bền vững, tình trạng vỡ mạch máu sẽ xảy ra và xuất huyết vào trong ổ bụng.

Các nguy cơ có thể gặp phải là thứ phát sau nhiễm trùng, chấn thương, viêm tụy hay cũng có thể là nguyên phát khi có các túi phình. Vì nằm sâu trong ổ bụng, dưới áp lực máu chi phối từ động mạch thân tạng, vốn là một nhánh quan trọng từ động mạch chủ bụng, lượng máu chảy ra từ vị trí vỡ mạch có thể tích tương đối lớn và tình trạng bệnh nhân nhanh chóng nguy kịch nếu không được can thiệp sớm.

Tuy nhiên, do vùng nội tạng này nằm sâu trong ổ bụng, phẫu thuật mở thành bụng khâu mạch là khó khăn khi huyết động bệnh nhân không ổn định. Trong bối cảnh này, can thiệp mạch tá tụy được xem là biện pháp tối ưu, mức độ xâm lấn tối thiểu, thời gian thực hiện nhanh nhưng hiệu quả đạt được khá cao.

Can thiệp động mạch tá tụy là kỹ thuật nút mạch làm tắc nghẽn sự lưu thông của mạch máu trong lòng mạch. Chỉ định thực hiện là trong các bệnh lý có chảy máu đường tiêu hóa. Bằng cách sử dụng ống thông, vi ống thông siêu chọn lọc vào nhánh động mạch là gây chảy máu và làm tắc các nhánh mạch này để cầm máu, tình trạng của bệnh nhân sẽ nhanh chóng cải thiện.

Chụp số hóa xóa nền và nút động mạch cầm máu các tạng là một can thiệp ngăn chặn chảy máu tạng hữu ích khi chảy máu khó cầm tại các cơ quan, nhất là đối với các cơ quan nằm sâu trong khoang lồng ngực, khoang bụng. Đây là một cách thức với mức độ can thiệp tối thiểu, hiệu quả cao và được ưu tiên chọn lựa hơn so với phẫu thuật.

Kỳ tích Y học Việt Nam: Nối thành công cẳng chân bị đứt lìa sau một tuần cấy ghép "nuôi" ở chân lànhKỳ tích Y học Việt Nam: Nối thành công cẳng chân bị đứt lìa sau một tuần cấy ghép 'nuôi' ở chân lành

SKĐS - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thông tin, ca nối cẳng chân bị đứt rời sau khi được "nuôi" ở chân lành đã thành công. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam. Trên thế giới, ca ghép chi tương tự như này là thứ 2.


Phạm Phong
Ý kiến của bạn