Hà Nội

Nam bệnh nhân bị hoại tử bàn chân có thể do hút thuốc lá nhiều

16-06-2019 15:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch đùi và động mạch khoeo, có thể do sử dụng thuốc lá nhiều.

Bệnh nhân H, 44 tuổi, tắc hoàn toàn động mạch đùi và động mạch khoeo. Theo các bác sĩ bệnh nhân H nhập viện trong tình trạng bàn chân phải lạnh, tím, nhiều chỗ hoại tử khô. Sau khi thăm khám, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 chẩn đoán bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch đùi và động mạch khoeo, khả năng do sử dụng thuốc lá nhiều.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, anh H đã khám và điều trị tại nhiều bệnh viện trong nhiều tháng nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Tình trạng hoại tử bàn chân càng ngày càng nặng nề hơn. Bệnh nhân đã được đề nghị cắt cụt cẳng chân phải vì những đau đớn không thể chịu đựng được mà không còn giải pháp nào để điều trị.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau phẫu thuật.

Tại đây, qua thăm khám lâm sàng và bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch nhận thấy, động mạch đùi nông và động mạch khoeo của bệnh nhân đã tắc hoàn toàn, không còn khả năng tái thông (bằng can thiệp nội mạch hay phẫu thuật). Tuy nhiên, cuối động mạch khoeo vẫn còn có 4 nhánh bàng hệ của vòng nối quanh gối.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch đã tiến hành phẫu thuật bóc nội mạc động mạch khoeo, làm cầu nối động mạch đùi – động mạch kheo chân phải bằng tĩnh mạch hiển tự thân đảo chiều. Đây là kỹ thuật không quá khó nhưng yêu cầu phẫu thuật tỉ mỉ, nhận định tổn thương thật chi tiết, thấu đáo, tính toán phương án kỹ càng trước khi phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, diễn biến của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Chân phải của bệnh nhân hồng, ấm, tưới máu cẳng – bàn chân tốt. Bệnh nhân đã có thể đi lại, vận động được. Bệnh nhân không còn phải đối mặt với mối đe doạ phải cắt cụt chân nữa.

Theo BS Ngô Tuấn Anh- bệnh lý tắc động mạch là bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng, gây nên nhiều hậu quả nặng nề với sức khoẻ người bệnh. Tổn thương tắc động mạch ở đâu thì gây hoại tử ở đó (tắc mạch máu não sẽ gây nhồi máu – hoại tử nhu mô mão, tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim – hoại tử cơ tim…). Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng tắc mạch, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lý này.

Viêm tắc động mạch là bệnh của hệ động mạch, về mặt bệnh học và biểu hiện lâm sàng là tình trạng viêm co thắt các động mạch hoặc xơ vữa gây thiếu máu nuôi dưỡng gây rối loạn dinh dưỡng và hoại tử tổ chức mô của cơ thể do các động mạch đó chi phối, nuôi dưỡng. Bệnh sử diễn tiến từ từ tăng dần, thường bệnh nhân có cảm giác đau tăng dần, mạch đập yếu dần rồi tắc hẳn ở một vùng thăm khám, thường tắc mạch chi dưới xảy ra phổ biến hơn chi trên và những vùng khác của cơ thể như tắc mạch vành, mạch máu não,... Bệnh thường gặp ở nam giới, đặc biệt là ở người hút thuốc lá nhiều.

Có 3 nguyên nhân phổ biến được tìm thấy:

- Xơ vữa gây hẹp động mạch (thường ở người cao tuổi, động mạch xơ vữa, nội mạc bị dày lên và gây hẹp dần lòng động mạch. Khi vận động, lưu lượng máu cung cấp cho cơ quan mà động mạch đó chi phối sẽ không đủ;

- Tiểu đường gây tổn thương mạch máu nhỏ và thần kinh gây tắc mạch máu dẫn đến loét hoại tử không lành, thường bị ở vùng bị tì đè hay tiếp xúc;

- Thuốc lá, điển hình là bệnh Buerger, thường gặp ở những người trẻ tuổi, hút thuốc lá nhiều. Chất độc từ khói thuốc sẽ gây viêm và kích thích co thắt mạch máu, chủ yếu là các mạch máu nhỏ ở xa như đầu chi. Lúc đầu chỉ đau nhức đầu chi, nhưng dần dần sẽ tím tái các đầu ngón và đưa đến hoại tử loét không lành.

Bệnh tắc động mạch hay Buerger thường diễn tiến qua bốn giai đoạn từ nhẹ đến nặng:

- Giai đoạn 1: Triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng, nên bệnh nhân chưa quan tâm nhiều, bệnh nhân phát hiện thường do đi khám phát hiện mạch không đều ở 2 chi qua thăm khám tại các cơ sở điều trị;

- Giai đoạn 2: Bệnh nhân có cảm giác đau và đi cách hồi nghĩa là đau khi đi, nghỉ sẽ đỡ đau;

- Giai đoạn 3: Bệnh nhân có cảm giác đau khi nằm nghỉ, chân thả lỏng thì đỡ đau, đưa chân lên cao sẽ đau, vùng chi bị tím tái.

- Giai đoạn 4: Bệnh nhân bị hoại tử ở đầu chi rồi các vùng mô hoại tử lan rộng, tiến dần lên trên.

 


Lan Hương
Ý kiến của bạn