Tâm huyết với nghề y và mong muốn lan tỏa kiến thức sơ cấp cứu cho cộng đồng, đặc biệt là với thanh thiếu niên, ThS.BS. Dương Trung Thành - đang công tác tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Giao thông vận tải đã không ngừng nỗ lực hướng dẫn và phổ cập kiến thức đến cộng đồng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hành nghề y, ngay từ khi còn nhỏ, bác sĩ Dương Trung Thành được nghe các câu chuyện về hành nghề y cứu người của cụ cố và những câu chuyện phục vụ thương binh của ông nội tại chiến trường Khe Sanh. Tất cả đã để lại ấn tượng sâu sắc trong anh.
"Tôi hiểu rằng ngành y là một ngành có sứ mệnh cao cả đối với xã hội và cộng đồng, đặc biệt là y học cổ truyền vẫn có giá trị to lớn với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời đại 4.0 này. Chính vì vậy tôi đã nỗ lực học hỏi 9 năm về y học cổ truyền để hiểu sâu hơn cũng như phát huy tốt tiềm năng để ứng dụng khám chữa bệnh được tốt nhất cho mọi người", bác sĩ Thành cho biết.
Không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân, bác sĩ Dương Trung Thành đã học và thường xuyên tập võ để nâng cao thể lực, phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Thành, một ngày anh phải điều trị cho 30 đến 40 bệnh nhân, có thể nói là làm việc không nghỉ, nếu không có thể lực thì không thể đáp ứng được công việc. Và Judo là một môn võ vừa yêu cầu thể lực vừa yêu cầu sức bền của người tập, rất hữu ích cho công việc của anh.
"Tôi từng đã tập một số môn võ đối kháng nhưng thấy vẫn chưa phù hợp và chỉ đến khi tiếp xúc Judo, tôi thấy sự khác biệt và dần dần cảm thấy sự thay đổi trong cả lĩnh vực y thuật của mình. Nhờ tập Judo mà lực tay của tôi cải thiện về chất, không bị đuối lực khi tiến hành thao tác thủ thuật. Đồng thời bản thân cũng luyện tập được lực hai tay ngang nhau giúp ích rất nhiều trong công việc, luyện được sự tinh tế của bàn ngón tay để bắt mạch tốt hơn", bác sĩ Thành chia sẻ.
Không chỉ nhiệt huyết với nghề, người bác sĩ trẻ này còn rất tận tình, quan tâm chăm sóc bệnh nhân. Mỗi ngày, bên cạnh những khoảng thời gian điều trị, thực hiện thủ thuật, bác sĩ Dương Trung Thành còn đặc biệt thêm vào liệu trình những "liều thuốc tinh thần". Liều thuốc này có vị ngọt của những lời hỏi thăm, động viên, chia sẻ và dặn dò tận tình, sự nhẹ nhàng, tinh tế trong cách trao đổi về tình hình sức khỏe mà bác sĩ Thành dành cho bệnh nhân của mình.
Theo bác sĩ Dương Trung Thành, điều khiến anh trăn trở, suy nghĩ hiện nay đó là các kiến thức, kĩ năng sơ cấp cứu của người dân Việt Nam vẫn còn thấp. Trên thực tế đã xuất hiện rất nhiều trường hợp cấp cứu quá nhiệt tình nhưng do không hiểu biết nên vô tình làm trầm trọng hoặc mất giờ vàng điều trị các bệnh nhân trên hiện trường.
"Bản thân tôi đã trực tiếp tham gia nhiều lần thực hiện sơ cấp cứu trên đường phố để cứu người, đặc biệt cách đây vài năm, ngay tại số 1 Liễu Giai, tôi đã tham gia hồi sức tim phổi tại chỗ cho một công nhân bị điện giật ngừng tim hơn 60 phút trước khi xe cứu thương tới hỗ trợ. Là một người trải nghiệm thực tế, tôi hiểu sự khó khăn khi tiến hành các thủ thuật sơ cứu trên đường phố là thế nào. Chính vì vậy, tôi muốn góp sức mình đưa những kiến thức sơ cấp cứu chính xác truyền tải cho cộng đồng càng nhiều càng tốt", bác sỹ Thành chia sẻ.
Với nỗi niềm trăn trở và lòng nhiệt huyết lan tỏa kiến thức sơ cấp cứu, ngay từ năm 2016, bác sĩ Thành đã bắt đầu dạy kỹ năng sơ, cấp cứu đến cho các bạn trẻ và định kỳ phổ biến kiến thức y học quần chúng cho đông đảo thanh thiếu niên. Đó là các bài học nhận diện sơ cứu chấn thương vùng đầu, cổ; hồi sức tim phổi, cấp cứu người bệnh bị nuốt, nghẹn dị vật, vận chuyển người bệnh ra khỏi vùng nguy hiểm, các phương thức ngã an toàn...
Trong những buổi phổ cập kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, các bạn trẻ rất quan tâm và nghiêm túc tiếp thu những kĩ năng này. Các bạn đều hiểu tầm quan trọng của các kĩ năng sơ cấp cứu nhưng lại chưa có cơ hội tiếp cận trực tiếp như vậy.
Trong quá trình hướng dẫn, phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu, bác sĩ Dương Trung Thành đã đưa những khái niệm y khoa vào cuộc sống một cách dễ hiểu. Để các bạn trẻ tiếp thu được nhiều kiến thức nhất, bác sĩ Thành đã phải rất linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, hướng dẫn kỹ năng thực tế.
Theo bác sĩ Thành, đạo cụ là thứ rất quan trọng trong quá trình hướng dẫn sơ cấp cứu. Nhưng đạo cụ cho mảng này thực tế đều rất đắt và khó đầu tư do đây là chương trình cho cộng đồng, không thu phí và cũng không nhận được tài trợ. Ban đầu, các đạo cụ phục vụ hướng dẫn, phổ biến kỹ năng sơ cấp cứu đều phải tự chế tạo hoặc sử dụng các phương tiện tương tự.
"Ban đầu có chút khó khăn nhưng sau đó Lãnh đạo Bệnh viện Giao thông vận tải đã đặc biệt quan tâm, hỗ trợ cho chương trình kỹ năng sơ, cấp cứu, giúp tôi có thể liên hệ với trung tâm, có thể mượn đạo cụ để hướng dẫn giảng dạy cho cộng đồng. Và rất tuyệt vời sau những chương tình như vậy, rất nhiều lần các bạn trẻ thông báo lại cho tôi đã giúp đỡ xử lý sơ cấp cứu trên thực địa và rất tự tin khi được trang bị cả những kĩ năng cứng và mềm để xử lý cứu người", bác sĩ Thành cho biết.
Gắn bó với Bệnh viện Giao thông vận tải từ năm 2011 đến nay, trong suốt quá trình công tác bác sĩ Dương Trung Thành không ngừng nâng cao y đức, đạo đức nghề nghiệp, dám nghĩ dám làm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân đồng thời luôn nỗ lực chung tay xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn.