Hà Nội

Nam bác sĩ sản khoa tận tâm với nghề

17-02-2018 10:37 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Đã nhiều năm nay, bác sĩ Nguyễn Viết Thọ, Phó trưởng khoa sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó cho các sản phụ. Nhiều người gọi anh là người bác sĩ trẻ có “đôi bàn tay vàng”.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thọ sinh năm 1973, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Vì vậy từ nhỏ anh đã có niềm yêu thích và thấy được ý nghĩa lớn lao của nghề thầy thuốc. Sau khi học xong THPT, anh đã chọn thi vào trường y và gắn bó với sản phụ khoa. Sở dĩ anh lại chọn khoa sản để theo đuổi vì trong quá trình học tập anh nhận thấy các sản phụ mỗi lần vào bệnh viện rất cần những bác sỹ có chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao,và anh muốn đi theo con đường này để có thể giúp đỡ nhiều ngườiđược “ mẹ tròn con vuông”.

Sau thời gian học tập ở trường Đại học y Hà Nội và Bệnh viện phụ sản Trung ương, anh về công tác tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh. Cho đến nay bác sĩ Thọ đã có 16 năm học tập và công tác trong nghề.  Anh đã khám, điều trị và phẫu thuật thành công nhiều trường hợp, trong đó có nhiều ca khó, cứu sống nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh.

Chị Nguyễn Thị Cúc (36 tuổi, quê xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đến tận bây giờ vẫn đang còn cảm thấy may mắn vì được bác sĩ Thọ phẫu thuật. Chị nhớ lại, khi mới bắt đầu mang thai, chị được phát hiện có khối u ở tử cung. Tuy nhiên, khi thai lớn dần lên thì siêu âm lại không còn thấy các khối u ở đâu. Chị được các bác sĩ phỏng đoán khối u sẽ lớn lên dần với thai, hoặc sẽ tiêu nhỏ lại. Đến những ngày sắp sinh vào tháng 1/2018 gia đình muốn yên tâm nên định đưa chị ra bệnh viện ở Hà Nội. Nhưng qua tìm hiểu, chị có nghe thông tin bác sĩ Thọ ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là người có chuyên môn cao, từng phẫu thuật cứu sống nhiều sản phụ nên trường hợp chị chắc có thể làm tốt. Chị đã tìm trực tiếp đến anh, trình bày tình trạng và hỏi anh rằng, nếu để anh mổ thì gia đìnhcó thể yên tâm được không? Và bác sĩ Thọ tự tin nói rằng có thể làm được.

bác sĩ Nguyễn Viết Thọ hỏi han bệnh nhân

Bác sĩ Thọ hỏi han bệnh nhân

“Lúc phẫu thuật tôi chỉ bị tiêm thuốc tê nên có thể chứng kiến cả quá trình các bác sĩ làm việc. Tôi nhận thấy được sự căng thẳng, mồ hôi đẫm trên khuôn mặt nhưng cũng thấy được sự điềm tĩnh, tự tin của bác sỹ Thọ và ê kip. Khi ca mổ hoàn thành, thực sự tôi và gia đình vui mừng và hạnh phúc không có ngôn từ nào có thể diễn tả được hết”, chị Cúc nhớ lại.

Kể về ca mổ này, bác sĩ Thọ cho biết sản phụ Cúc có thai đủ tháng tuổi nhưng bị ngôi ngược. Đặc biệt chị lại bị đa u xơ tử cung. Khối u lớn nằm ở mắt eo sau tử cung, còn hai u nhỏ hơn nằm ở sừng tử cung, đây là những vị trí rất dễ gây nguy cơ chảy máu diện bóc.Trong 3 khối u trong tử cung sản phụ thì khối lớn nhất có kích thước 15x20 cm, nặng đến 1kg; hai khối còn lại lần lượt là 12x15 và 3x4cm. Đây là ca u xơ có khối u lớn nhất mà anh từng gặp trong 16 năm làm nghề. Đặc biệt, sản phụ mới sinh con đầu lòng nên việc bảo tồn tốt tử cung là vô cùng cần thiết. Và khi thực hiện phẫu thuật, bác sỹ phải rất vững vàng và tự tin mới có thể tự tin bóc những khối u lớn như vậy.

Một trường hợp khác mà bác sĩ Thọ còn nhớ như in là ca phẫu thuật cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh Hương (33 tuổi, xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà) bị phong huyết tử cung rau vào tháng 12/2017.

Anh cho biết, sản phụ Hương được người nhà đưa vào BVĐK tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng choáng, da xanh, niêm mạc kém hồng, máu âm đạo ra nhiều có cả máu tươi lẫn máu cục.Sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và siêu âm, cho thấy mẹ bị choáng do đau nhiều và mất máu cấp, con thì non tháng và suy thai cấp, tim thai nhịp chậm 60 đến 80 lần/phút…Đồng thời cho chuyển mổ cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai nhi, chị Hương bị mất máu nặng do xuất huyết tử nên phải vừa mổ vừa chuyền máu. Trong quá trình phẫu thuật, tử cung của sản phụ bị xuất huyết thâm tím nhiều đám, kèm theo co hồi kém chảy máu nhiều nên các bác sĩ phải tiến hành xử trí tăng co tích cực kết hơp truyền máu, nên vẫn bảo tồn được tử cung cho sản phụ.

Nhiều ca bệnh khó được bác sĩ Thọ phẫu thuật thành công

Nhiều ca bệnh khó được bác sĩ Thọ phẫu thuật thành công

Theo bác sĩ Thọ, trường hợp của chị Hương rất hiếm gặp, với chẩn đoán phong huyết tử cung rau (rau bong non thể nặng) là một trong những biến chứng của tiền sản giật, nếu không được xử lý kịp thời thì nguy cơ sản phụ tử vong rất cao.

Ngoài hai trường hợp trên, bác sĩ Thọ cũng đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó khác trong suốt 16 năm làm nghề. Với anh, là một bác sĩ phải vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề và luôn yêu quý bệnh nhân.Hơn nữa, để trở thành một bác sĩ giỏi thì phải luôn học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn cũng như những người đi trước. Nhất với bác sĩ ngoại sản nói riêng và khoa ngoại nói chung, bên cạnh yếu tố năng khiếu thì cần phải thực hiện nhiều để đúc kết kinh nghiệm cho mình.


MAI NGUYỄN
Ý kiến của bạn