Sinh năm 1981, ngay khi tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng trong đất liền, chàng trai Trịnh Văn Vương (quê quán huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã xách ba lô ra đảo Bạch Long Vĩ để lập nghiệp.
Thời điểm đó (năm 2005), huyện đảo còn rất nhiều khó khăn. Việc lựa chọn ra đảo Bạch Long Vĩ lập nghiệp khiến chàng trai Trịnh Văn Vương không khỏi áp lực trước những lời khuyên can của người thân. Bằng ý chí và niềm tin vào sức trẻ, khát khao được cống hiến kiến thức được học cho huyện đảo xa bờ nhất vùng Đông Bắc, Trịnh Văn Vương "cáo lỗi" gia đình, lên đường ra đảo làm điều dưỡng.
Nhớ lại những ngày đầu ra đảo Bạch Long Vĩ , bác sĩ Vương cười kể: "Hoàn cảnh gia đình tôi khác đặc biệt. Cha mẹ đều mất sớm, từ thuở nhỏ, mỗi dịp được nghỉ học, tôi thường hay theo người thân ra biển đánh cá. Tình yêu biển đảo cứ thế lớn dần lên. Khi có chương trình phát động của thành phố kêu gọi thanh niên ra đảo Bạch Long Vĩ lập nghiệp, tôi xung phong ngay. Ngày đầu vừa đặt chân lên đảo này, tôi đã cảm thấy thích thú với mảnh đất này: không khí trong lành, biển xanh trải dài, con người thân thiện, đơn giản dù điều kiện sống quả là khó khăn. Nhưng kệ, lúc đó phải nói ý chí mãnh liệt vô cùng, biết khó, biết khổ nhưng vẫn không chùn bước. Mình chỉ trăn trở mỗi điều, với điều kiện khó khăn như thế này (đến nước ngọt không có) thì phải làm thế nào giúp bà con dân đảo có đời sống tốt hơn, điều kiện chăm sóc sức khỏe đảm bảo.
Theo lời bác sĩ Vương, năm 2005 khi mới ra đảo, anh được phân công làm điều dưỡng tại Trung tâm Y tế Bạch Long Vĩ. Điều kiện khám chữa bệnh lúc đó phải nói muôn vàn khó khăn từ điện, nước cho tới phương tiện đi lại từ đảo vào đất liền… đều không có. Mỗi khi có những ca bệnh cấp cứu, cả Trung tâm phải tập trung để phân việc, người thì đốt đèn dầu, người đốt nến, soi cho bác sĩ chữa bệnh.
Thời điểm đó, để di chuyển được từ đất liền ra đảo và ngược lại phải đợi từ 2 tuần đến 1 tháng. Phương tiện ra đảo chủ yếu là tàu chở lương thực, nhu yếu phẩm hoặc tàu gỗ 1-2 chuyến/tháng.
"Những lúc ca bệnh nặng cầm chuyển vào đất liền xử lý, chúng tôi buộc phải đi tàu gỗ, chạy hơn mười tiếng mới tới bờ. Cảnh cấp cứu trên biển không kể chắc cũng hình dung ra, người đi biển bình thường còn mệt nói gì y tá và bác sĩ vừa theo dõi bệnh, vừa cầm lọ truyền dịch truyền cho bệnh nhân sao cho khỏi va đập…", bác sĩ Vương tâm sự.
Đến sau này, Trung tâm Y tế được đổi thành bệnh viện rồi sáp nhập cùng bệnh xã quân đội trở thành Trung tâm Y tế quân dân y thì điều kiện khám chữa bệnh thực sự được nâng lên rất nhiều.
Sau 4 năm công tác tại đảo, khoảng cuối năm 2009 anh Vương bén duyên với chị Hoàng Thị Việt Hà – nhân viên Cảng tàu du lịch Bạch Long Vĩ và bắt đầu tính chuyện kết hôn. Ban đầu, thấy hoàn cảnh anh Vương bố mẹ mất sớm, nên gia đình bạn gái có phần ngăn cấm. Sau khi tìm hiểu, biết anh Vương làm ở trung tâm y tế, chăm sóc, chữa bệnh cho người dân trên đảo cùng tính cách chững chạc, nghị lực nên gia đình chị Hà đã thấu hiểu, chia sẻ và đồng ý cho cuộc hôn nhân này.
Anh Vương chia sẻ: "Sau khi lấy vợ, sinh con, được sự động viên của vợ, tôi xin cơ quan cho đi học chuyển đổi y sĩ rồi học chuyên tu lên bác sĩ đa khoa và được Trung tâm Y tế quân dân y định hướng làm ngoại sản. Kể từ khi trở thành bác sĩ, với trình độ chuyên môn được nâng cao, tôi nhận thấy công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo được cải thiện rất nhiều."
Do trung tâm thiếu bác sĩ gây mê nên trong quá trình công tác tại đảo, anh Vương được đơn vị cử đi học, đào tạo về gây mê hồi sức. Sau khi kết thúc khóa học, bác sĩ Vương quay lại đảo và áp dụng, triển khai kỹ thuật gây mê tĩnh mạch trong phẫu thuật.
Đối với một trung tâm y tế nằm xa đất liền, việc đưa bệnh nhân vào bờ để phẫu thuật không phải dễ dàng. Kể từ khi bác sĩ Vương được đào tạo chuyên về gây mê tĩnh mạch, việc cấp cứu, phẫu thuật tại chỗ cho người bệnh đã được đáp ứng và cải thiện rất nhiều.
Những ca sinh phải mổ đẻ hay đau ruột thừa, ngoại khoa thông thường … trước đây phải chuyển vào đất liền cấp cứu bằng tàu biển thì giờ đã được bác sĩ Vương và kíp mổ bệnh viện xử lý tại chỗ.
"Đến giờ, tôi vẫn không hối hận vì đã chọn huyện đảo xa bờ làm nơi công tác, phát triển sự nghiệp. Cũng từ mảnh đất này, tôi đã có những tháng năm thanh xuân đẹp của đời mình, có gia đình tổ ấm yên vui và những người đồng nghiệp luôn yêu thương, gắn kết. Gần 20 năm gắn với nơi này, trải qua bao khó khăn chồng chất nhưng đến giờ, hai vợ chồng vẫn luôn giữ vững tinh thần, động viên nhau cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân trên đảo", bác sĩ Vương trải lòng.
Hiện anh Vương và chị Hà có với nhau một trai và một gái, con trai lớn của anh chị đang học lớp 7 đang phải xa bố mẹ vào trong đất liền để học. Với đặc thù của ngành y thường xuyên phải trực nên bác sĩ Vương không thể thường xuyên về đất liền chăm con nên đành phải gửi cháu nhờ ông bà ngoại chăm giúp.
Gia đình bên vợ của BS. Trịnh Văn Vương có 3 thế hệ cùng sinh sống trên đảo và là 1 trong 7 hộ đầu tiên ra đây lập nghiệp ngay khi huyện đảo được thành lập.
Trải qua 30 năm chứng kiến đảo Bạch Long Vĩ đổi thay, ông Hoàng Văn Hùng, bố vợ BS. Trịnh Văn Vương thừa nhận, kể từ khi sáp nhập qệnh viện quân đội với trung tâm y tế huyện, nhiều năm trở về đây, y tế huyện đảo đã có nhiều bước tiến rõ rệt.
Đội ngũ y tế được đào tạo nâng cao tay nghề, trang thiết bị được đầu tư, kỹ thuật chuyển giao từ tuyến thành phố, trung ương tới huyện đảo được hỗ trợ tích cực…. Nhờ đó hoạt động khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn, giảm thiểu việc chuyển người bệnh vào đất liền chữa trị.