Hà Nội

Năm Ất Tỵ, gặp gỡ nhà khoa học mang trong mình niềm đam mê với rắn độc!

27-01-2025 14:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Với nhiều người, rắn là loài động vật gắn liền với sự sợ hãi, nguy hiểm nhưng đối với PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo - Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thì hoàn toàn ngược lại. Anh bảo, rắn không đáng sợ như mọi người nghĩ mà rất… đáng yêu!

Kể từ khi bén duyên nghiên cứu về rắn độc năm 2007, nhà khoa học trẻ này đã có gần 20 năm vượt qua sợ hãi ban đầu về các loài rắn độc, để tìm hiểu về tập tính, tiến hoá của một số loại rắn, hợp tác nghiên cứu để có thể phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc rắn cứu bệnh nhân bị rắn cắn. Anh dần đam mê nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, khi người dân Hà Nội đang bận rộn chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ, chúng tôi có dịp đến thăm PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, chuyên gia nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam. Hiện PGS TS Nguyễn Thiên Tạo đang công tác tại Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Trái ngược với sự vội vã của phố phường, căn phòng làm việc của PGS Tạo lại toát lên sự tĩnh lặng, như một thế giới riêng biệt giữa những bộn bề của cuộc sống.

Hẹn gặp PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo không dễ. Không phải bởi anh khó tính, mà bởi lịch làm việc của anh gần như kín, nhất là vào những ngày cuối năm bận rộn. 

Sinh năm 1982, từ nhỏ, anh Tạo là người yêu thích khám phá. Tình yêu thiên nhiên và ham mê tìm hiểu các loài động vật lại tiếp nối khi anh theo học Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cũng như nghiên cứu chuyên sâu về các loài rắn độc sau này.

Vài lần bị rắn độc cắn không làm giảm bớt tình yêu của vị PGS trẻ quê Hải Dương đối với nghề nghiên cứu rắn độc cũng như sở thích chụp ảnh các loài rắn. Chính từ tình yêu đặc biệt với loài rắn đã khiến anh trở thành chuyên gia nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam. Nhờ những kiến thức về phân loại rắn độc và hiểu biết về nọc độc rắn, nhà khoa học trẻ đã hỗ trợ 'cứu' nhiều nạn nhân bị rắn cắn.

Năm Ất Tỵ, gặp gỡ nhà khoa học mang trong mình niềm đam mê với rắn độc!- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo chỉ vào vết rắn cắn trên tay do một lần bị tai nạn bất ngờ.

Là một trong số những người tiếp bước các tiền bối đi trước trong việc nghiên cứu và bảo tồn các loài rắn độc, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã dành hơn 20 năm để nghiên cứu về các loài rắn trên khắp Việt Nam. Anh đã có nhiều chuyến đi khảo sát thực địa tại những vùng đồi núi hiểm trở trong nước và nước ngoài để thu thập mẫu, rồi chụp ảnh, ghi chép chi tiết từng mẫu vật… 

Ăn, ngủ, nghỉ đều ở rừng. Những chuyến đi vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình đầy thử thách, nhưng cũng là cơ hội để anh tiếp cận, khám phá thêm, phát hiện mới và hiểu biết về những loài rắn.

Rời ghế nhà trường từ Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2005, anh Tạo kể, đôi khi bản thân cũng từng có lúc rất mơ hồ về con đường làm khoa học. Nhưng anh may mắn có định hướng của người anh trai đã mở đường và truyền cảm hứng cho anh. Và từ đây, anh Tạo có cơ hội được gặp những chuyên gia hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về bò sát – ếch nhái ở Việt Nam và trên thế giới, trong số đó giáo sư Nikolai Orlov là người thầy nước ngoài đầu tiên của anh.

Anh Tạo kể, mỗi lần sang Việt Nam, GS Nikolai Orlov đều liên lạc và thông tin trước. Bởi ông luôn muốn có một người trợ giúp đắc lực, thông minh, tận tụy, đam mê công việc. Nhà khoa học kể, được làm việc cùng các chuyên gia nổi tiếng là điều may mắn và thú vị vô cùng.

Anh học được từ kỹ năng đi rừng, cách thu thập tư liệu, đến kiến thức phong phú về rắn với tập tính từng loài: Loài nào chuyên sống trên cây, loài nào ở dưới đất; loài nào độc, loài nào không…. Và tình yêu trong anh với loài động vật mà đa phần mọi người rất sợ này cứ lớn dần. 

Anh Tạo tâm sự, rắn không đáng sợ như mọi người nghĩ mà rất… đáng yêu: "Chúng không tự tấn công mà chỉ là phản ứng tự vệ bình thường như các loài động vật khác khi bị tác động". 

Năm Ất Tỵ, gặp gỡ nhà khoa học mang trong mình niềm đam mê với rắn độc!- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo chia sẻ rằng mỗi con vật đều tồn tại một sứ mệnh, đặc biệt là loài rắn không chỉ có giá trị sinh học mà còn có giá trị y học vô cùng to lớn.

Ngoài công tác quản lý, PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo còn hỗ trợ và định hướng nghiên cứu cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh trong nhóm nghiên cứu do anh làm trưởng nhóm.

Gặp anh ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khá vội nhưng cuộc trò chuyện với anh Tạo vô cùng thú vị, giúp chúng tôi biết thêm được phần nào về con người của vị PGS trẻ này. Với anh, có lẽ thời gian cho khoa học chẳng bao giờ là đủ. Khó khăn nhiều, vất vả lắm nhưng đam mê với rắn độc không lúc nào giảm trong anh.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo chia sẻ: "Mỗi loài sinh vật tồn tại đều có một sứ mệnh riêng. Đặc biệt, rắn không chỉ là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên mà còn có giá trị y học vô cùng to lớn. Nọc độc của chúng có thể được sử dụng phát triển và chế các thuốc giảm đau, chống viêm, đau cơ, đau dây thần kinh... hay nọc rắn có thể tiêu diệt khối u ung thư. Vì thế, phát hiện những loài rắn mới cho khoa học và nghiên cứu tìm hiểu về nọc độc rắn là điều hết sức lý thú".

Ở Việt Nam, nhiều loài rắn, trong đó có các loại rắn độc thường gặp như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh… Nếu ai đó không may bị tai nạn rắn độc cắn có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng, tàn phế. 

Mỗi năm, theo ghi nhận có khoảng vài ngàn trường hợp bị rắn cắn và công tác điều trị rất tốn kém ở các bệnh viện. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn được xếp vào Danh mục các nhóm thuốc thiết yếu phải có của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với hơn 230 loài rắn, trong đó khoảng gần 30% là rắn độc, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và người Việt Nam cũng là người đầu tiên trên thế giới được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Việt Nam đã điều chế thành công các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre nhưng một số loại huyết thanh khác vẫn phải nhập khẩu. Sản xuất được huyết thanh để tự chủ trong công tác điều trị rắn cắn tại Việt Nam là chiến lược lâu dài mà Bộ Y tế chủ trương thực hiện nhiều năm qua.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, anh Tạo tâm sự, anh đã từng vài lần không may bị rắn độc cắn nhưng với những kinh nghiệm thực tế mà anh đã xử lý và tự sơ cứu cho mình. Sau nhiều năm lăn lộn nghiên cứu từ ngoài thực địa đến trong phòng thí nghiệm, PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo đã bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu về dịch tễ rắn độc và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc của một số loài rắn thường gặp. Nếu như trước đây dữ liệu chi tiết về các loài rắn độc còn chưa nhiều, thì hiện nay, với những nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã có thể sàng lọc được một số loài rắn độc phổ biến.

Với việc sản xuất được các loại huyết thanh kháng nọc độc rắn đặc hiệu là thuốc giải độc thiết yếu, rút ngắn thời gian bệnh nhân rắn cắn phải điều trị thở máy chỉ còn từ 2-4 ngày, giảm tỉ lệ nhiễm trùng, tử vong và giảm chi phí cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo cho rằng, Việt Nam là một đất nước có mức đa dạng sinh học rất cao trên toàn cầu. Vì thế, với vai trò là một thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới, anh nhấn mạnh, nghiên cứu về đa dạng sinh học Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa cũng như công tác bảo tồn thiên nhiên.

Hiện tại, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo và nhóm nghiên cứu tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc ở Việt Nam và hợp tác với các đồng nghiệp để phát triển huyết thanh kháng nọc độc khác. 

Năm Ất Tỵ, gặp gỡ nhà khoa học mang trong mình niềm đam mê với rắn độc!- Ảnh 3.

Một mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị rắn độc cắn được PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo giám định.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo nhấn mạnh sự quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn các loài rắn độc tại Việt Nam. Anh Tạo đặt ra những thách thức để thúc đẩy sự hợp tác và nghiên cứu sâu rộng hơn, với hy vọng tạo ra những giải pháp toàn diện và hiệu quả cho việc quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã công bố hơn 150 bài báo quốc tế. Các công trình nghiên cứu của anh được giới chuyên môn đánh giá cao thông qua chỉ số trích dẫn tham khảo.

Anh đã giành giải thưởng cho Công trình nghiên cứu xuất sắc về nghiên cứu đa dạng và bảo tồn các loài động vật có xương sống ở châu Á, Giải thưởng công trình công bố tiêu biểu được nhiều người tham khảo và trích dẫn nhất năm 2015 của nhà xuất bản Bio2, Hoa Kỳ; Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả cầu vàng – Trung ương Đoàn TNCSHCM và Bộ Khoa học công nghệ năm 2015, Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2022…

Kết thúc cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo - người luôn cháy hết mình với ngọn lửa đam mê, cống hiến cho khoa học chia sẻ: "Rắn cũng là biểu tượng của sự may mắn, của điềm lành, mọi người nên nâng cao ý thức chung sống hoà bình và bảo tồn loài rắn".  


Mai Hoa
Ý kiến của bạn