Hà Nội

Nấm âm đạo khi mang thai dùng thuốc gì?

02-11-2022 15:53 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nấm âm đạo, còn được gọi là nhiễm trùng nấm men, gây ra tình trạng ngứa, rát và tiết dịch đặc biệt lo ngại khi mang thai.

1. Nấm âm đạo là gì?

Nhiễm nấm âm đạo hay nhiễm trùng nấm men (thường do nấm Candida gây nên) là một bệnh nhiễm trùng do nấm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phụ nữ nào, dù có mang thai hay không. Mặc dù có thể gây khó chịu, nhưng nấm âm đạo có thể điều trị được và thường không nghiêm trọng.

Nấm âm đạo khi mang thai: Điều trị và dự phòng - Ảnh 1.

Nấm âm đạo tuy vô hại nhưng gây khó chịu và có thể tái phát nhiều lần.

Nếu nghi ngờ mình bị nấm âm đạo, thai phụ nên đến bác sĩ thăm khám để xác định bệnh, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc STI (nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục).

Sau viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra viêm âm đạo. Có khoảng 20% -30% phụ nữ bị nấm âm đạo khi mang thai. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất khi mang thai và thường xảy ra trong ba tháng thứ hai của thai kỳ.

Sự gia tăng nội tiết tố estrogen tạo ra tạo điều kiện cho nấm Candida xâm nhập vào âm đạo. Nấm âm đạo tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu và có thể tái phát nhiều lần. Nấm âm đạo gây ngứa, kích ứng, sưng tấy âm đạo và vùng xung quanh, tăng tiết dịch âm đạo.

Một số phụ nữ có nhiều khả năng bị nấm âm đạo do di truyền. Các đột biến của một số gen có thể cản trở khả năng bảo vệ của hệ thống miễn dịch chống lại nấm Candida, dẫn đến nhiễm trùng tái phát. Khuynh hướng di truyền này được gọi là bệnh nấm Candida di truyền.

Có nhiều loại thuốc điều trị không kê đơn và kê đơn, bác sĩ sản/phụ khoa có thể giúp lựa chọn phương án an toàn, hiệu quả nhất trong thời kỳ mang thai.

2. Nấm âm đạo có gây hại cho thai kỳ?

Nhiễm nấm âm đạo sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, nấm âm đạo có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi không được điều trị. Điều này có nghĩa là ngứa, đỏ và viêm nhiều hơn. Nếu da bị nứt hoặc rách do gãi nhiều lần, có thể dẫn đến nhiễm trùng da.

Trong một số trường hợp hiếm, nấm âm đạo không được điều trị có thể dẫn đến mệt mỏi, nấm miệng hoặc các vấn đề về tiêu hóa.

3. Thuốc gì trị nấm âm đạo?

Nấm âm đạo thường có thể được điều trị bằng các sản phẩm không kê đơn, nhưng không phải tất cả đều được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai.

Sau khi xác nhận thai phụ bị nấm âm đạo, bác sĩ có thể kê toa các loại kem bôi hoặc thuốc đặt âm đạo. Đây là những lựa chọn điều trị được khuyến nghị trong thời kỳ mang thai hoặc khi đang cho con bú.

  • Kem bôi: Có thể sử dụng các loại kem bôi bên ngoài để giúp làm dịu khu vực này và giảm thiểu ngứa.
  • Thuốc đặt âm đạo: Thuốc đạn là sản phẩm dạng viên (hình viên đạn) được đưa vào âm đạo, thường là trước khi đi ngủ.
  • Thuốc uống: Các bác sĩ thường khuyến cáo không nên dùng thuốc đường uống trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Nếu cần dùng thuốc điều trị nhiễm trùng đường uống, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Những loại thuốc uống an toàn trong thời kỳ mang thai bao gồm: Miconazole, clotrimazole và terconazole... đã được chứng minh là loại bỏ nhiễm trùng một cách an toàn và hiệu quả. Thuốc thường được áp dụng cho liệu trình trong 3 đến 7 ngày.
Nấm âm đạo khi mang thai: Điều trị và dự phòng - Ảnh 4.

Sau khi xác nhận thai phụ bị nấm âm đạo, bác sĩ có thể kê toa các loại kem bôi hoặc thuốc đặt âm đạo.

Thuốc uống fluconazole không được khuyến cáo cho hầu hết bệnh nhân trong thời kỳ mang thai vì ở liều cao trong thời gian dài làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật bẩm sinh hoặc thai chết lưu.

Thuốc chỉ có thể giải quyết tình trạng nấm âm đạo tạm thời. Bệnh có thể tái phát trở lại và có thể phải điều trị nhiều lần.

Ngoài phụ nữ mang thai, nấm âm đạo cũng thường gặp ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, corticosteroid, phụ nữ bị tiểu đường và rối loạn hệ thống miễn dịch...

4. Thuốc điều trị nấm âm đạo có an toàn khi cho con bú không?

Nấm âm đạo ít phổ biến hơn ở những bệnh nhân đang cho con bú vì nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ hậu sản, khiến nấm men khó phát triển. Nhưng nếu xảy ra, phụ nữ đang cho con bú có thể dùng fluconazole vì lượng tiết vào sữa mẹ rất nhỏ.

Người mẹ đang cho con bú và em bé có thể bị tưa lưỡi, một bệnh nhiễm nấm thường phát triển trong miệng và cổ họng, qua lại giữa núm vú và miệng. Trong trường hợp này, cả hai phải được điều trị để ngăn chặn nhiễm trùng. Bệnh tưa lưỡi thường nhẹ và thường được điều trị theo liệu trình từ 7 đến 14 ngày với thuốc chống nấm.

5. Làm gì để giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo?

Trong khi mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh sử dụng băng vệ sinh, miếng lót và quần lót có mùi thơm.
  • Thường xuyên thay băng vệ sinh, miếng lót và quần lót.
  • Tránh tắm nước quá nóng và bồn tắm nước nóng.
  • Mặc đồ lót có lớp lót bằng vải cotton để thúc đẩy luồng khí lưu thông.
  • Không thụt rửa âm đạo
  • Mặc quần áo rộng rãi.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

5 Lợi ích sức khỏe hàng đầu của hành tây

Ds. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn