Nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, năm 2025, Trung tâm triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn, tiếp tục vận hành và hoàn thiện Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị phù trợ dự báo; cung cấp thông tin thời tiết, thiên tai khí tượng thủy văn trên Website, trên ứng dụng trên các thiết bị di động phục vụ người dùng khai thác..., cung cấp các sản phẩm dự báo đến các đơn vị theo quy định.
"Trung tâm sẽ phối hợp với với chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (IICA), Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn Quốc gia nâng cao chất lượng dự báo mưa thời đoạn ngắn (24 giờ); tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại (trí tuệ nhân tạo, học máy…) trong bài toán dự báo định lượng mưa; phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị liên quan để sớm đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dự báo xoáy thuận nhiệt đới trước mùa mưa bão năm 2025", ông Mai Văn Khiêm cho biết,
Trung tâm triển khai xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác xuất xảy ra thiên tai. Giám sát biến đổi khí hậu và triển khai Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chủ động đổi mới phương pháp làm việc từ công tác quản lý đến vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn với phương châm chủ đạo là "Dự báo sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn, số hó hơn, trực quan hơn".
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần thực hiện tốt hơn nữa việc ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, đồng thời triển khai chuyển đổi số toàn diện. Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục phát huy tốt vai trò là Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực, thực hiện có hiệu quả các dự án, nhiệm vụ chuyên môn được giao bằng nguồn vốn đối ứng, vốn nước ngoài... Ngoài ra, Trung tâm cần chú trọng công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành; tích cực, chủ động tham gia công tác truyền thông trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Đã phát hành trên 8.400 bản tin dự báo, cảnh báo
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, năm 2024, Trung tâm đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nguồn nước theo quy định của Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Theo dõi và dự báo 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước; 18 đợt không khí lạnh; 19 đợt nắng nóng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng; 14 đợt lũ; 39 đợt lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi cả nước..
Tính đến ngày 31/11, cơ quan khí tượng đã thực hiện ban hành trên 8.400 bản tin, trong đó có trên 2.700 bản tin dự báo, cảnh báo báo khi tượng thủy văn nguy hiểm (đặc biệt là với bão số 3 (YAGI) - cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm gần đây trên Biển Đông với 46 bản tin chính thức và 63 bản tin nhanh bổ sung phục vụ Công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó), trên 5.700 bản tin dự báo khi tượng thủy văn trong điều kiện bình thường.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với hơn 8.400 bản tin, Trung tâm đã cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương; cùng các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt trong các đợt thiên tai, Trung tâm thường xuyên tăng cường các bản tin chuyên đề như bão, lũ chi tiết và cập nhật từng giờ; bản tin dự báo nguồn nước phục vụ vận hành liên hồ chứa thời gian thực gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ và các Bộ, ngành để thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành và ứng phó. Các sản phẩm dự báo được chia sẻ liên tục và cập nhật tới các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.
Trước khi có các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm xảy ra, cơ quan khí tượng đã gửi Công văn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và các đơn vị liên quan nhận định sớm về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Tổng cục Khí tượng thủy văn để đảm bảo các nhận định, dự báo được sát với thực tế.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia triển khai vận hành Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/. Đồng thời Trung tâm đã tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị dự báo, thực hiện chi tiết hoá các bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong thời gian xuất hiện mưa lớn; thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu, bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn, hải văn, dự báo bão, mưa lũ; cập nhật thông tin từ các hệ thống thông tin của các tổ chức quốc tế,…
Năm 2025, cơ quan khí tượng sẽ nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, nhất là dự báo mưa thời đoạn ngắn 24 tiếng; triển khai xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác suất xảy ra thiên tai; giám sát biến đổi khí hậu và triển khai Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 27/12: Đòi nợ không được còn bị chửi bới, gã trai cầm cuốc đánh con nợ gục tại chỗ rồi bỏ trốn