Hà Nội

Năm 2024, các địa phương được giao bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên

31-12-2023 16:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Năm 2024, các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.

Đại diện Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ Nội vụ cùng Bộ GD&ĐT đã cùng thống nhất đề xuất bổ sung 27.860 biên chế giáo viên cho các địa phương phục vụ năm học 2023-2024.

Chi tiết để phục vụ cho năm học 2023-2024, các địa phương đề xuất bổ sung 104.656 giáo viên so với năm học 2022-2023, nâng tổng số biên chế giáo viên cả nước lên gần 1,2 triệu.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người). Cụ thể, Thanh Hóa và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương,... là những địa phương thiếu nhiều nhất.

Năm 2024, các địa phương được giao bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên- Ảnh 1.

Cô và trò Trường Tiểu học Dương Xá, Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh minh hoạ

Trong đó, nhu cầu giáo viên bậc mầm non và trung học cơ sở chiếm nhiều nhất: Cấp mầm non 41.542 biên chế (chiếm 39,7%); Cấp tiểu học 22.485 biên chế (chiếm 21,5%); Cấp trung học cơ sở 27.818 biên chế (chiếm 26,6%); Cấp trung học phổ thông 12.811 biên chế (chiếm 12,2%).

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đã thống nhất dự kiến bổ sung 27.860 biên chế cho năm học 2023-2024. Số còn lại sẽ bổ sung đối với các trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo đến năm 2026.

Trước đó, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, năm học 2022 - 2023, tạm giao 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho các địa phương.

Tuy vậy, đến tháng 5/2023, theo Bộ GD&ĐT, các địa phương mới tuyển được hơn một nửa số này (khoảng 15.540 giáo viên). Như vậy, các tỉnh thành vẫn đang còn tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được.

Giải thích cho việc không tuyển dụng đủ giáo viên, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên.

Xét thăng hạng giáo viên năm 2023: ‘Mong thấu hiểu được nỗi lòng của giáo viên’Xét thăng hạng giáo viên năm 2023: ‘Mong thấu hiểu được nỗi lòng của giáo viên’

SKĐS - "Tôi thấy những giáo viên như tôi thiệt thòi hơn rất nhiều khi xét thăng hạng giáo viên năm 2023", cô giáo Nguyễn Thị Ngân Hà chia sẻ.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn