Năm 2023 có hai tháng 2 Âm lịch, cơ sở nào để tính năm nhuận?

26-02-2023 06:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo quy định của Âm lịch, cứ ba năm sẽ có một năm nhuận. Tháng nhuận được chọn là tháng đầu tiên trong năm không chứa trung khí nào. Năm 2023 vì vậy sẽ có hai tháng 2 Âm lịch.

Góc nhìn khoa học về Âm lịch, ngũ hành và can chiGóc nhìn khoa học về Âm lịch, ngũ hành và can chi

SKĐS - Âm lịch dựa trên cơ sở chính là các chu kỳ thiên văn. Khác với Dương lịch có cơ sở chính là chu kỳ quỹ đạo của Trái Đất thì Âm lịch lại dựa nhiều hơn vào chu kỳ của Mặt Trăng.

Cơ sở quy định ngày, tháng, năm trong Âm lịch

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, có những phân tích cơ sở khoa học của âm lịch cũng như quy tắc xác định năm nhuận Âm lịch. Các nguyên tắc này dựa trên sự chuyển động của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

Âm lịch cũng như Dương lịch và nhiều loại lịch khác trên thế giới đều đặt ra với mục đích đầu tiên là đếm thời gian. Ngoài ra nó còn một ý nghĩa rất quan trọng là qua các mốc thời gian, con người xác định được chu kỳ vận động của thời tiết.

Riêng ở phương Đông, chẳng hạn như Việt Nam là nước nông nghiệp gắn bó với trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt là trồng trọt liên quan rất mật thiết đến chu kỳ thời tiết. Biết quy luật vận động của thời tiết sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động nông nghiệp.

Năm nay có hai tháng 2 âm lịch, cơ sở nào để tính năm nhuận trong Âm lịch? - Ảnh 2.

Năm 2023 có hai tháng 2 Âm lịch vì là năm nhuận.

Về ý nghĩa nêu trên, Âm lịch và Dương lịch đều hướng đến mục đích đó. Ngày nay thực ra để tính chu kỳ thời tiết thì không cần tới Âm lịch nữa vì Dương lịch dự đoán có tính chính xác cao hơn bởi chu kỳ thời tiết phụ thuộc vào quỹ đạo của Trái Đất chứ không phải của Mặt Trăng.

Tuy nhiên, với người Phương Đông thì Âm lịch còn có ý nghĩa văn hóa, chẳng hạn như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu... đều là những dịp lễ cổ truyền không thể thiếu trong nếp sống hàng ngày. Nhưng bên cạnh đó, Âm lịch cũng chỉ là một cách quy ước cho phù hợp với nhu cầu đếm thời gian và dự báo thời tiết, mọi quan điểm cho rằng Âm lịch mang yếu tố siêu nhiên đều không được khoa học thừa nhận

Nguyên tắc tính ngày của người phương Đông trước kia cũng giống người phương Tây. Ngày nay chúng ta biết rằng một ngày là khoảng thời gian để Trái Đất tự quay một vòng quanh trục của nó. Tuy nhiên người xưa chưa biết quy luật thiên văn này, mà tính ngày dựa trên vị trí của Mặt Trời trên bầu trời. Mốc được chọn là khi Mặt Trời lên cao nhất vào giữa trưa. Khoảng thời gian giữa hai lần giữa trưa liên tiếp được gọi là một ngày.

Phương Tây chia ngày thành 24 giờ, trong đó lúc 12 giờ là thời điểm giữa trưa. Đây cũng là giờ quốc tế dùng trong hành chính mà ngày nay chúng ta vẫn biết.

Còn ở phương Đông thì một ngày chia thành 12 canh, gọi tên theo 12 chi là Tí, Sửu... trong đó canh Tí kéo dài từ 11h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau, do đó cũng có nhiều tài liệu cho rằng ngày trong Âm lịch sớm hơn ngày trong Dương lịch 1h. Thời điểm giữa trưa của ngày Âm lịch tương ứng với canh Ngọ, kéo dài từ 11h đến 13h. Thời điểm chính giữa canh tương ứng với 12h trưa trong Dương lịch là khi Mặt Trời lên cao nhất, gọi là chính ngọ.

Tháng trong Âm lịch dựa vào chu kỳ của Mặt Trăng. Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, nó chuyển động trên quỹ đạo quanh Trái Đất theo chu kỳ 27, 32 ngày. Tuy nhiên vì trên thực tế Trái Đất còn có chuyển động quanh Mặt Trời nên phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để Mặt Trăng về vị trí cũ khi quan sát từ Trái Đất, khiến cho chu kỳ của Mặt Trăng được quan sát là 29,53 ngày. Chu kỳ này gọi là một tuần Trăng. Người phương Đông trước đây lấy một tuần Trăng này làm độ dài cho một tháng. Ngày mùng 1 mỗi tháng bắt đầu vào ngày có điểm không Trăng, Âm lịch thường gọi là điểm sóc. Đây là điểm mà toàn bộ phần tối của Mặt Trăng quay về phía Trái Đất, hoàn toàn không thể nhìn thấy Mặt Trăng vào ban đêm.

Vì chu kỳ tuần Trăng là 29, 53 ngày chứ không phải tròn 29 hay 30 ngày nên điểm sóc không rơi vào một giờ cố định. Vì vậy tháng nào và điểm sóc rơi vào cuối ngày của mùng 1 Âm lịch thì sau ngày 30 tháng đó mới có điểm sóc tiếp theo. Tháng như vậy có 30 ngày. Tháng nào điểm sóc rời vào đầu ngày mùng 1 thì sau chu kỳ 29, 53 ngày, điểm sóc tiếp theo xuất hiện sau ngày 29, tháng đó không có ngày 30, gọi là tháng thiếu.

Với kiến thức về thiên văn học đã có thì chúng ta biết rằng một năm là chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, chính là chu kỳ năm Dương lịch. Một năm như vậy ứng với chu kỳ biến đổi thời tiết. Người phương Đông trước đây thì không dựa vào vị trí của Mặt Trời mà dựa vào vị trí của Mặt Trăng, nên khi ước đoán chu kỳ thời tiết thì họ thấy chu kỳ này tương đương với khoảng 12 tuần trăng, do đó một năm được quy ước là độ dài của 12 tuần trăng, hay 12 tháng.

Tuy nhiên sau đó người ta nhận ra là chu kỳ 12 tuần trăng này ngắn hơn chu kỳ thực của thời tiết khoảng 10 ngày. Như vậy nếu cứ để nguyên 1 năm 12 tháng thì cứ ba năm lịch sẽ đi chậm so với chu kỳ thời tiết khoảng 1 tháng, càng nhiều năm độ lệch càng cao. Do vậy nên người phương Đông xưa đưa thêm vào tháng nhuận. Cứ khoảng ba năm thì lại có một tháng nhuận.

Về quy tắc tính thì người ta lấy ngày Đông chí - ngày có chứa trung khí tên là Đông chí - hàng năm làm mốc. Năm nào mà giữa hai ngày Đông chí có 13 điểm sóc thì năm đó có thêm tháng thứ 13. Năm có tháng nhuận này được gọi là năm nhuận Âm lịch, tháng nhuận được chọn là tháng đầu tiên trong năm không chứa trung khí nào, và được lấy tên theo tháng ngay trước nó.

Cách phân chia các giai đoạn trong năm

Tiết khí và trung khí ngày nay thường được gọi ngắn gọn là tiết khí hay đơn giản là tiết, là các giai đoạn khác nhau trong năm, mỗi giai đoạn dài 15-16 ngày, đặc trưng bởi những đặc điểm thời tiết khác nhau trong năm. Chúng được đúc rút ra từ quan sát thời tiết của người xưa qua rất nhiều năm và được đặt tên để đặc trưng cho thời tiết tương ứng. Chẳng hạn tiết đầu tiên trong năm là lập xuân, tức là bắt đầu mùa xuân, hay tiết cuối năm là đại hàn, ám chỉ giai đoạn này thường có rét đậm. Trên quan điểm thiên văn học thì các tiết này tương ứng với các vị trí khác nhau của Trái Đất trên quỹ đạo chuyển động của nó quanh Mặt Trời.

Có tất cả 24 giai đoạn xen kẽ tiết khí và trung khí hợp lại thành một năm, tương đương với một chu kỳ thời tiết. Một điểm cần lưu ý là trên thực tế, các tiết này có ngày tháng không cố định theo Âm lịch nhưng lại gần như cố định trong Dương lịch; Dương lịch vốn được đặt theo chu kỳ của Trái Đất quanh Mặt Trời, không có tháng nhuận như Âm lịch nên không có sự lệch về ngày tháng so với thời tiết. Chẳng hạn tiết lập xuân luôn rơi vào mùng 4 hoặc 5 tháng 2 Dương lịch nhưng có thể là một ngày nào đó từ cuối tháng Chạp cho đến giữa tháng Giêng trong năm Âm lịch tùy năm.

Trước đây, việc các hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời là điều chưa được biết tới. Người xưa chỉ nhận ra rằng trong các đốm sáng trên bầu trời hàng đêm thì có 5 đốm sáng có vị trị thay đổi so với nền trời sao qua mỗi đêm, với chu kỳ khác nhau. Chúng được người phương Đông gọi là hành tinh, tức là ngôi sao vận hành (còn các ngôi sao được gọi là hằng tinh, tức là sao cố định). Các hành tinh này được đặt tên theo 5 yếu tố trong ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người ta thấy rằng cứ khoảng 0,25 năm thì Sao Thủy lại trở lại vị trí cũ trên bầu trời so với nền trời sao, Sao Kim thì mất 0,6 năm, Sao Hỏa khoảng 2 năm, Sao Mộc khoảng 12 năm và Sao Thổ khoảng 30 năm.

Dựa vào chu kỳ năm của Sao Hỏa, người ta chia ra cứ hai năm liền nhau tương ứng với một hành trong ngũ hành, một năm mang tính âm và một năm mang tính dương theo quan niệm của Phương Đông.

Sao Mộc cứ khoảng 12 năm về vị trí cũ, bằng với số tuần Trăng trung bình trong trong một năm, một chu kỳ như vậy được đặt tên năm lần lượt theo các chi từ Tí đến Hợi. Sao Thổ có chu kỳ dài nhất trong năm hành tinh này, khoảng 30 năm. Bội số chung nhỏ nhất của các chu kỳ này là 60 năm, có nghĩa là cứ 60 năm thì cả hành tinh lại cùng ở vị trí như cũ trên bầu trời (tất nhiên con số này không đúng tuyệt đối mà chỉ tương đối).

Sao Hỏa có chu kỳ khoảng 2 năm để trở lại vị trí cũ trên bầu trời, hai năm được gán một âm và một dương. Như vậy cứ năm chu kỳ của Sao Hỏa là 10 năm, đủ hết một bộ âm - dương cho ngũ hành. 10 năm đó được đặt tên theo 10 yếu tố gọi là can, hay thiên can, mỗi can tương ứng với một yếu tô âm hoặc dương của một hành. 10 can gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý trong đó Giáp, Ất tương ứng với Mộc; Bính, Đinh tương ứng với Hỏa; Mậu, Kỷ tương ứng với Thổ; Canh, Tân tương ứng với Kim; Nhâm, Quý tương ứng với Thủy.

Ngoài ra các năm còn lại được đặt tên theo chi, cứ hết chu kỳ 12 chi thì Sao Mộc lại về vị trí cũ. Như vậy tên gọi của một năm đầy đủ gồm cả Can và Chi.

Đồng thời, chu kỳ 60 năm để cả hành tinh trở lại vị trí cũ trên bầu trời cũng là bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12. Do đó, cứ 60 năm, mọt năm có tên cụ thể mới lặp lại. Chu kỳ 60 năm này thường được gọi là lục thập hoa giáp. Do đó 60 năm được coi là một chu kỳ vận động của thiên nhiên, cũng gắn với mức tuổi thọ của người xưa.

Khi giáo sư thiên  văn  viết sáchKhi giáo sư thiên văn viết sách

SKĐS - Giáo sư - Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu (sinh năm 1932, hiện định cư tại Pháp) đã được quốc tế biết đến qua những công trình nghiên cứu vật lí thiên văn hàng đầu, có uy tín và giá trị cao. Năm 1973, ông vinh dự nhận Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

TAND Tỉnh An Giang Trả Hồ Sơ, Đề Nghị Điều Tra Bổ Sung Vụ Bà Trùm Mười Tường Buôn Lậu Vàng | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn