Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận rằng Amalgam là nguồn tiếp xúc thủy ngân lớn nhất ở hầu hết người lớn. Đối với nha sĩ và nhân viên phòng khám nha khoa, trong quá trình chuẩn bị, pha trộn Amalgam có thể bị phơi nhiễm với hơi thủy ngân thoát ra trong không khí.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc, phơi nhiễm với thủy ngân trong quá trình sản xuất Amalgam làm tăng khả năng bị sảy thai, mắc các vấn đề về sinh sản ở nha sĩ, phụ tá nữ và là nguyên nhân của các bệnh về trí nhớ và thoái hóa não như bệnh Alzheimer ở các nha sĩ nói chung và phụ tá của họ.
Với bệnh nhân, khi vết hàn răng bằng Amalgam bị nứt (do quá trình nhai, nghiến thức ăn cứng hoặc do va chạm, tai nạn), thủy ngân sẽ theo vết nứt đó thoát ra khoang miệng, đi vào máu, làm ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân được hàn. Tác hại của Thủy ngân tới sức khỏe con người đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và cũng đã được WHO cảnh báo. Chúng gây ra các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn như: Giảm khả năng phòng bệnh; tổn thương não, thận và hệ miễn dịch của trẻ; gây rối loạn trí nhớ; gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa (dạ dày, ruột), hô hấp, thần kinh; ảnh hưởng tới việc sinh đẻ; gây rụng tóc; ung thư da…
Đến năm 2021, Việt Nam sẽ hoàn toàn chấm dứt sử dụng Amalgam trong nha khoa
Đáng chú ý, việc dùng Amalgam để hàn răng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường không khí, đất và nước. Hơi thủy ngân trong quá trình tạo ra hỗn hợp Amalgam và việc hỏa táng những người hàn răng bằng Amalgam gây ra ô nhiễm không khí. Việc xử lý các chất thải Amalgam từ các phòng khám nha khoa bằng cách thông thường; hoặc việc chôn lấp những người hàn răng bằng Amalgam sẽ gây ra ô nhiễm các vùng đất và vùng nước gần đó. Chất thải Amalgam đã được xác định là nguồn thủy ngân chính gây ô nhiễm đất vì nó làm giảm hoạt động của vi sinh vật trong đất, giảm độ màu mỡ và năng suất của đất.
Sau một khoảng thời gian, thủy ngân trong không khí sẽ lắng xuống nước hoặc trên đất, rồi lại ngấm vào mạch nước. Trong môi trường này, một số sinh vật có thể biến đổi thủy ngân thành dạng độc hơn là methyl thủy ngân. Các loài sinh vật trong nước hấp thụ methyl thủy ngân, sau đó lại trở thành một trong những chuỗi thức ăn của các loài khác. Các loài cá sống lâu là đối tượng chứa lượng lớn chất tồn dư thủy ngân vì chúng có thời gian dài tiếp xúc với methyl thủy ngân.
Công ước Minamata về Thủy ngân là một công ước có phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi tác động tiêu cực từ Thủy ngân, được Việt Nam tham gia ký kết vào ngày 4 tháng 10 năm 2013 tại Nhật Bản. Trong phụ lục A-II thuộc Công ước Minamata về Thủy ngân, Amalgam thuộc danh mục cần được giảm thiểu.
Trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã triển khai và đạt được những kết quả đáng mong đợi trong quá trình giảm thiểu Amalgam. Ngày 24/4/2018, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam đã thông qua khuyến cáo tới toàn thể thành viên các bác sĩ ngành răng hàm mặt nhằm “Chấm dứt sử dụng Amalgam nha khoa trên trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú vào 01/07/2018, tiến tới một nền nha khoa không thủy ngân vào năm 2020”. Ngày 25/5/2018, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã diễn ra Hội thảo về “Hướng tới một nền nha khoa Việt Nam không Amalgam vào năm 2020”, ngay trong hội thảo này Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã chính thức tuyên bố và trở thành “Bệnh viện Không Thủy ngân” đầu tiên tại Việt Nam.
Vào tháng 10 năm 2018, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến tổ chức ký kết Bản cam kết các đơn vị về việc “Chấm dứt sử dụng Amalgam cho trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2018 tại các bệnh viện, cơ sở RHM công của các quận huyện thành phố, phòng Nha khoa là cơ sở y tế không Amalgam ”.
Bản ký kết ngày nhận được sự đồng thuận cao của các Y Bác sĩ Bệnh viện và các đồng nghiệp trong lĩnh vực nha khoa. Ngoài ra, một số Hội Răng Hàm Mặt tại các thành phố cũng đã có các hội thảo, hoạt động nhằm tiến tới loại bỏ Amalgam trong nha khoa.
Mới đây, vào ngày 06/03/2019, đã có buổi họp tham mưu cho Bộ Y tế tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, giữa các bên liên quan về lộ trình tiến tới ngưng sử dụng Amalgam trong Nha khoa. Sau buổi họp, ngày 25/03/2019, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ra Công văn chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh Răng Hàm Mặt trên toàn quốc thực hiện một số việc sau đây: “Không sử dụng Amalgam cho trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú từ ngày 01/04/2019; Xây dựng lộ trình ngừng sử dụng Amalgam trong Nha khoa từ ngày 01/01/2021”.
Đây là một bước đi quan trọng của Bộ Y tế trong lộ trình tiến tới ngưng sử dụng và loại bỏ Amalgam ra khỏi danh mục sử dụng trong Nha khoa vào năm 2021. Việc ra công văn này của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, không chỉ nhận được sự hoan nghênh của ngành nha khoa trong nước mà còn nhận được sự ủng hộ của Liên minh Thế giới vì Nha khoa không Thủy ngân, và các nước khác trong tiến trình giảm thiểu, loại bỏ Amalgam trên toàn thế giới.