Năm 2021 ở Đông Nam Á: Nhiều thách thức đang chờ

31-12-2020 08:20 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những ai kỳ vọng rằng năm 2021 sẽ là một năm thay đổi tích cực sẽ phải thất vọng. Quỹ đạo phát triển tại Đông Nam Á và mối quan hệ của khu vực này với Mỹ và Trung Quốc về cơ bản sẽ không thay đổi hoặc ít nhất là không thể tốt hơn trong năm này.

Đó là nhận định cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan được đăng tải trong bài viết có tiêu đề: “Đông Nam Á phải chuẩn bị sự tồi tệ vào năm 2021” vừa phát hành trên báo Nikkei Asia News (Nhật Bản).

Những thách thức chưa được tháo gỡ

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực xử lý đại dịch COVID-19 tốt hơn các khu vực khác. Tuy nhiên, tốt hơn không có nghĩa không có sai sót. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng quản lý nghiêm trọng tại Indonesia, Malaysia và Philippines. Vắc-xin phòng dịch bệnh sẽ được cung cấp trong năm tới, nhưng đó không phải “thuốc chữa” cho việc quản lý tồi. Các quốc gia trên vẫn phải vận lộn để chống lại các tác động tiêu cực từ đại dịch.

Những quốc gia khác thuộc khối ASEAN được cho là “dập dịch” tốt cũng không hề giảm bớt nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai. Khi đại dịch kéo dài và sự mệt mỏi hình thành, các đợt lây nhiễm mới sẽ có thể xuất hiện. Tránh tự mãn vì công tác phòng dịch hiệu quả trước đó và duy trì được kỷ luật xã hội sẽ là những thách thức đặc biệt nghiêm trọng, bởi chúng ta không thể mãi sống khép kín với các quốc gia khác và với thế giới. Các chi phí kinh tế vẫn đang tăng lên và tổn thất cuối cùng bởi đại dịch còn lâu mới tính được.

Về lý thuyết, nếu đại dịch thúc đẩy tốc độ số hóa, các nền kinh tế tiên tiến hơn như Singapore có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Các quốc gia Đông Nam Á khác có thể hưởng lợi từ việc dịch chuyển của các công ty ra khỏi Trung Quốc và một số nơi khác. Nhưng đây là những khả năng không chắc chắn. Thực tế sẽ phần lớn phụ thuộc vào khả năng của các chính phủ trong việc thích ứng nhanh chóng để thúc đẩy môi trường kinh doanh, lấp đầy những lổ hổng trong cơ sở hạ tầng cứng và mềm, nuôi dưỡng các hệ thống sinh thái của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, những bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu lại gây nghi ngờ về tham vọng tạo ra một cộng đồng kinh tế của ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.

Đông Nam ÁĐông Nam Á đối mặt với một năm mới nhiều khó khăn

Chìa khóa để thành công trên bình diện quốc gia và khu vực là chính trị. Các chính phủ phải ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi đại dịch làm gia tăng sự căng thẳng giữa các thành viên ASEAN. Sẽ cần nỗ lực đáng kể để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy không dễ để lạc quan.

Trục quan hệ ASEAN - Mỹ - Trung Quốc

Chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden được nhận định rằng sẽ nói nhiều hơn về vai trò trung tâm của ASEAN; ít quan điểm tiêu cực hơn về các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tiếp tục phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển Đông và sông Mêkông, cũng như trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.

Nhưng ASEAN sẽ chỉ là công cụ cho những nỗ lực này. Việc chính quyền mới của ông Biden tập trung vào việc xây dựng lại các mối quan hệ đồng minh sẽ khiến ASEAN trở thành mối quan tâm thứ yếu, trừ khi ASEAN có thể tập hợp ý chí chính trị để hành động tập thể ủng hộ các mục tiêu của Mỹ.

Hơn nữa, với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ tập trung quan tâm về tình trạng sức khỏe và kinh tế trong nước, cũng như đối phó với áp lực của một quốc gia đang bị chia rẽ mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

ASEAN không nên nóng vội nếu không được chính quyền Biden chú trọng ở mức độ như mong đợi, trong bối cảnh Trung Quốc luôn có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực. Bởi đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức và cần tới sự cân bằng. Hầu hết quốc gia Đông Nam Á đều hiểu rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực vẫn là yếu tố không thể thay thế đối với bất kỳ sự cân bằng chiến lược nào. Sự cân bằng đó là điều kiện thiết yếu trong mối quan hệ với Trung Quốc”.


Hà Anh
Ý kiến của bạn