Hà Nội

Năm 2020, tiêm chủng tại Nghệ An gặp khó khăn gì?

13-10-2020 10:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020 của ngành y tế Nghệ An vừa tổ chức, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác tiêm chủng của Nghệ An 9 tháng đầu năm đạt 65,8% (đáp ứng tiến độ), song tỉ lệ tại các địa phương là không đồng đều, nhiều địa phương đạt tỉ lệ thấp...

Tỉ lệ tiêm chủng không đồng đều

Theo CDC Nghệ An, các đơn vị có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thấp gồm Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Diễn Châu (mặt bằng của tỉnh đảm bảo 82% nhưng các đơn vị này dưới 60%)... Các đơn vị có tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ thấp gồm Cửa Lò (51,97%), Tương Dương (53,92%). So với mục tiêu đặt ra là tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh cần đạt 95%, tiêm phòng đầy đủ đạt 90%, các loại tiêm phòng khác phải đạt trên 90% trở lên, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

BS. Vi Xuân Chiến - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công tác tiêm chủng năm 2020 đã phải triển khai trễ hơn 1 tháng. Trên địa bàn, số lượng bố mẹ bỏ lại con nhỏ nhờ ông bà nuôi để đi làm ăn xa là rất nhiều. Bên cạnh đó, ở một số bản vùng sâu, vùng xa còn có tình trạng người dân sinh con tại nhà mà không đưa đến TTYT cho nên việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh không được đáp ứng kịp thời. Theo quy định, việc sinh nở hiện không còn được thực hiện ở trạm y tế (TYT) mà phải được thực hiện ở cơ sở y tế có phòng sinh, tuy nhiên thực tế vẫn có trường hợp “cấp cứu” sinh tại trạm. Do TYT lại không chuẩn bị sẵn vắc-xin nên việc tiêm cho trẻ sơ sinh phụ thuộc vào việc cán bộ y tế phải ra TTYT huyện để lấy với các tác động thời tiết, đường xá đi lại.

“Nguyên nhân tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp còn do việc thông tuyến BHYT, sản phụ đến sinh tại các cơ sở y tế ngoài địa bàn huyện. Tại cơ sở y tế sản phụ sinh, trẻ sơ sinh đã được tiêm vắc-xin. Song vì lý do nào đó, công tác cập nhật thông tin lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia của cơ sở y tế, nơi sản phụ sinh và việc tiếp nhận thông tin ở TYT xã không ăn khớp nên trẻ đã được tiêm nhưng lại chưa được thống kê”, BS. Vi Văn Chiến cho hay.

Công tác thống kê, cập nhật thông tin không chính xác, kịp thời đang được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc “kéo lùi” tỉ lệ tiêm chủng ở các địa phương. BS. Lê Quang Trung - Phó Giám đốc TTYT huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, tỉ lệ tiêm chủng thực của huyện Quế Phong trong 9 tháng đầu năm là cao hơn. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ là 83,3%, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là 79%. Nguyên nhân là do các cán bộ chuyên trách ở xã, thị trấn cao tuổi, chưa quen việc cập nhật số liệu lên phần mềm, báo cáo qua hệ thống. Hiện nay, Trung tâm đang yêu cầu những cán bộ này ra học, đào tạo lại ở nội dung này.

BS. Hoàng Khắc Tú - Phó Giám đốc TTYT thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho hay: Tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thấp là do việc dự báo tỉ lệ sinh của thị xã năm 2020 (số trẻ sinh năm 2019x1,5 lần) chưa chính xác, dự kiến sinh trên 900 nhưng thực tế chỉ có mới 500 trẻ ra đời. Còn với tiêm chủng đầy đủ ở Cửa Lò có rất đông phụ huynh đưa trẻ lên tiêm ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại TP. Vinh, song các cơ sở này lại không cập nhật lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia nên TTYT, TYT không thể theo sát được chính xác số liệu để báo cáo.

Một chuyên gia y tế cho biết thêm về nguyên nhân: Khi địa phương nào xuất hiện ca tiêm vắc-xin viêm gan B gặp phản ứng phụ, thông thường bệnh viện ở địa phương đó lại “e dè” khi tiêm cho trẻ. Ở miền núi, các TTYT vẫn thường “ngại” khi thiết lập các điểm tiêm lưu động tại bản, xã do sợ xảy ra phản ứng mạnh, tai biến không thể cấp cứu, xử lý kịp thời.

Tăng cường rà soát, đưa điểm tiêm gần dân

BS. Nguyễn Trọng Di - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC Nghệ An cho hay: Một trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, khi mắc bệnh, ngoài việc tốn nhiều chi phí để điều trị, trẻ còn gặp phải những biến chứng nặng, thậm chí là trẻ bị tử vong. Nhiều TTYT hiện vẫn chưa làm tốt công tác thống kê, báo cáo số liệu tiêm chủng. Việc thống kê, báo cáo thiếu chính xác cũng nguy hại không kém việc trẻ chưa được tiêm chủng. Thống kê, báo cáo giúp cho việc thực hiện tiêm chủng chính xác đến từng trẻ, từng mũi tiêm; giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ công tác phòng bệnh. Nếu hoạt động này không được thực hiện chính xác, đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá độ bao phủ tỉ lệ tiêm chủng, gây khó khăn trong việc dự báo, phòng chống dịch bệnh nếu xảy ra.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An mới đây đã chỉ đạo rõ tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2020: Giải pháp quan trọng để nâng tỉ lệ tiêm chủng cần được thực hiện là TTYT, TYT cần tính toán thiết lập các điểm tiêm chủng gần với người dân hơn thay vì chỉ tổ chức tiêm ở TYT mà đưa về tiêm ở các cụm bản. TTYT cần hỗ trợ bác sĩ về tăng cường chuyên môn ở các điểm tiêm này.


Thành Chung - Từ Thành
Ý kiến của bạn