Năm 2020, ít nhất 155 triệu người rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực tồi tệ

06-05-2021 22:13 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 5/5, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết ít nhất 155 triệu người trên thế giới phải đối mặt với mức độ khủng hoảng nghiêm trọng về mất an ninh lương thực trong năm 2020 do xung đột, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và các cú sốc kinh tế có liên quan một phần đến đại dịch COVID-19.

Trong đó, trong năm 2020, thế giới có thêm 20 triệu người rơi vào tình trạng đói so với năm 2019. Gần 98 triệu người tại Châu Phi phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, chiếm 2/3 tổng số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Burkina Faso, Nam Sudan và Yemen. Trên khắp các nước này, khoảng 133.000 người đang ở mức IPC5 - mức nhu cầu cao nhất - và cần phải có hành động ngay “để ngăn chặn tình trạng tử vong trên diện rộng và sự sụp đổ của sinh kế”.

Các khu vực khác trên thế giới là Yemen, Afghanistan, Syria và Haiti... cũng chịu khủng hoảng lương thực tồi tệ.
LHQ cho biết, ảnh hưởng xung đột đẩy gần 100 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tiếp theo là các cú sốc kinh tế có liên quan một phần đến đại dịch COVID-19, với 40 triệu người và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, với 16 triệu người.

Cùng ngày 5/5, liên quan tới đại dịch COVID-19, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vắc xin ngừa COVID-19 mà họ sở hữu bản quyền. Người phát ngôn TTK, ông Stephane Dujarric cho biết quan điểm này được TTK Guterres đưa ra giữa lúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vắc xin ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển. 

Trước đó, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi nhiều quốc gia xem xét tăng nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19. Theo Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala, những chiến thuật như vậy sẽ phục vụ lợi ích của cả nước nghèo và nước giàu.

Ngày 5/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho hay Washington "ủng hộ miễn trừ các biện pháp bảo hộ đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19" bởi đây là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và  tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt.


Hà Anh
Ý kiến của bạn