Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Thế nhưng hiện nay, chúng ta đang thiếu các dịch vụ chăm sóc điều trị khúc xạ chất lượng. Nguyên nhân được xác định do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ.
Tại buổi hội thảo ông Trần Viết Hùng - Phó vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán Bộ Y tế cho biết: Tỷ lệ tật khúc xạ ở Việt Nam hiện nay ước tính ở mức 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 đến 36 triệu người mắc. Đối với trẻ em( từ 6-15 tuổi), tỉ lệ tật khúc xạ là 25 - 40% ở thành thị và 10 – 15% ở nông thôn. Tật khúc xạ được nhận định như là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia Phòng chống Mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 với mục tiêu tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt > 70% vào năm 2020 và > 95% vào năm 2030.
Thiếu trầm trọng cử nhân khúc xạ nhãn khoa
Ước tính có khoảng 14 – 15 triệu người cần được chăm sóc tật khúc xạ và có khoảng 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ. Tật khúc xạ mắt gây không ít khó khăn cho người bệnh trong cuộc sống, đồng thời là nguyên nhân chính gây giảm thị lực vừa và nặng, là nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về mắt nguy hiểm như: Bong võng giác mạc, đục thủy tinh thể.
Ông Trần Viết Hùng - Phó vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.
Ở Việt Nam, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ đo khúc xạ, chỉnh kính hiện còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Có tới 71% người dân có tật khúc xạ không được chỉnh kính, 30% đeo sai kính, 25% mù lòa do bị tật này. Việc điều chỉnh kính do tật khúc xạ hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên cửa hành kính mà phần lớn không được đào tạo bài bản, dẫn đến việc đeo sai kính. Theo kết quả điều tra đánh giá chất ượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Viện thị giác Brien Holden phối hợp với Tổ chức FHF, bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện vừa được công bố đầu năm 2019, 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính chưa chính xác do người đeo kính không được đào tạo bài bản.
Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, Việt Nam cần có tối thiểu 1 cử nhân nhãn khoa chăm sóc mắt cho 50.000 dân. Nhưng đến hôm nay nước ta mới chỉ có 61 cử nhân khúc xạ nhãn và như thế đến năm 2020 phải đào taọ bổ sung 1.740 cử nhân.
Cần phát triển nguồn nhân lực
Cử nhân khúc xạ nhãn khoa tại các cơ sở chăm sóc mắt sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng công việc cho các bác sĩ nhãn khoa để có thể tập trung chuyên sâu các dịch vụ lâm sàng các bệnh về mắt khác.
Khúc xạ nhãn khoa được hành nghề ở nhiều nước trên thế giới. Thông thường, các chuyên viên khúc xạ nhãn khoa được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc mắt toàn diện (khám khúc xạ, lắp kính tiếp xúc, cấp kính gọng cũng như phát hiện, điều trị và phục hồi tình trạng mắt)...
Các dịch vụ chuyên viên khúc xạ nhãn khoa có thể cung cấp gồm đo khám mắt, quản lý các bệnh về mắt, theo dõi và quản lý bệnh nhược thị và rối loạn thị giác, điều trị khiếm thị, phục hồi chức năng thị giác…
Nhu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt ở nước ta rất lớn. Ảnh minh họa
Từ năm 2012 có khoảng 200 sinh viên Khúc xạ Nhãn khoa đang theo học tại các trường Đại học Y Hà Nội và hơn 100 sinh viên tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong đó có 61 cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa đầu tiên của 2 trường vừa tốt nghiệp song đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý quy định về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dành cho nhóm đối tượng này.
Như vậy, có thể thấy Cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa thật sự cần thiết trong hệ thông chăm sóc sức khỏe Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe mắt cho người dân trong cả hiện tại và tương lai, đặc biệt trong loại trừ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được do tật khúc xạ không được chỉnh kính, giảm thiểu gánh nặng công việc cho các bác sĩ nhãn khoa để có thể tập trung chuyên sâu các dịch vụ lâm sàn các bệnh về mắt khác.
Hiện đã có khoảng 300 Cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa đã và đang được đào tạo tại các trường Đại học Y của Việt Nam theo khung chương trình chuẩn của quốc tế. Nhờ vậy chuẩn năng lực của đội ngũ này sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc mắt và góp nhần nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cũng tại Hội thảo các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ những thông tin về mô hình các bệnh về mắt trong thực tế, ý nghĩa tầm quan trọng của việc khám và điều trị kịp thời về mắt; những khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ và tiếp cận với các cơ sở cung cấp dịch vụ đo chỉnh kính có chất lượng; kinh nghiệm quốc tế về vai trò đội ngũ cử nhân khúc xạ nhãn khoa trong mạng lưới nhân lực chăm sóc mắt.