Hà Nội

Năm 2020: APEC giảm 30% số mắc và 40% tử vong do lao

22-08-2017 18:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, ước tính số ca bệnh lao mới mắc là 131/100.000 dân, và số tử vong là 17/100.000 dân. Khoảng 16.000 người Việt Nam đã chết vì lao, gấp đôi so với số người chết vì tai nạn giao thông trong một năm.

Đó là những số liệu được PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, đồng thời là Trưởng ban điều hành Dự án Phòng, Chống Lao Quốc gia đưa ra trong hội thảo đối thoại chính sách về “Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC” tổ chức vào ngày 22/8/2017 tại TP.HCM.

Phát biểu trong hội thảo đối thoại chính sách, PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam vẫn đứng thứ 15 trong số 30 nền kinh tế có tỷ lệ lao và lao đa kháng cao nhất toàn cầu. Số người chết vì bệnh lao vẫn còn cao, chủ yếu là ở những người chưa được chẩn đoán và điều trị.

Trong khi y tế đã có nhiều kỹ thuật chẩn đoán, các thuốc và phác đồ điều trị hiệu quả, ngay cả lao đa kháng, thậm chí là lao siêu kháng thuốc. Nhưng, Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản trong cuộc chiến phòng chống lao và lao đa kháng, như: số người mắc lao vẫn chưa được phát hiện và điều trị. Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ kháng thuốc trong bệnh nhân lao mới phát hiện là từ 2,7 – 4%, và 23,3% số bệnh nhân lao đã từng điều trị mắc lao đa kháng.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2020 là giảm 30% số ca mắc và 40% trường hợp tử vong vì lao

Mục tiêu của Việt Nam đến 2020 là giảm 30% số ca mắc và 40% trường hợp tử vong vì lao. Ảnh: An Quý

“Ngành Y tế Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm 30% số ca mắc và 40% số ca tử vong vào năm 2020. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và khiến tôi lo lắng vì chúng ta chỉ còn 3 năm nữa thôi. Chúng tôi hy vọng, đến năm 2020, chỉ còn dưới 10.000 người tử vong vì lao.

Kể cả khi đã đạt được mục tiêu này, chúng ta vẫn còn một chặng đường khó khăn nhằm hướng tới mục tiêu người Việt Nam sống trong môi trường không còn bệnh lao vào năm 2030, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân,” PGS. Nhung cho biết.

Theo các chuyên gia tham gia đối thoại chính sách, nguyên nhân có thể do các dịch vụ y tế nhằm phát hiện và điều trị cho người nhiễm lao, đặc biệt tại y tế cơ sở, vẫn còn chưa bao phủ khắp cả nước. Một số nơi còn chưa quan tâm nhiều lắm đến công tác chống lao. Hơn thế nữa, khoảng 70% bệnh nhân lao nằm trong nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương như người nghèo, vô gia cư, di dân, công nhân khu công nghiệp, phạm nhân…

“Nhiều người Việt Nam vẫn còn kỳ thị bệnh lao. Họ sợ bị phát hiện ra sẽ không lấy được chồng, không lấy được vợ, không gã được con. Nhưng thực tế, lao không có gì đáng sợ, bệnh lao có thể được điều trị khỏi lên đến hơn 90%, đến lao siêu kháng thuốc, con số này là trên 80%. Chính vì vậy, một quan niệm sai lầm khác của người dân là chủ quan, lao đỡ rồi thì ngưng thuốc, cứ như vậy lại tạo ra tình trạng kháng thuốc. Và điều trị lao kháng thuốc tốn gấp 50 lần điều trị lao thông thường,” PGS. Nhung chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến phòng chống lao và lao đa kháng và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác này. Để tăng cường sự tiếp cận của người dân, các dịch vụ chăm sóc, điều trị và điều trị lao đã được lồng ghép từ các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu. “Đầu tư 1 đồng cho phòng, chống lao có thể mang đến “lãi” 30 đồng, đây là một sự đầu tư cho phát triển bền vững.”


An Quý
Ý kiến của bạn