Tuy nhiên, những lo lắng đó có thể được giải tỏa nếu người nhiễm HIV tham gia BHYT. Người nhiễm HIV sẽ tiếp tục được điều trị ARV với tiêu chuẩn chuyên môn, phác đồ như hiện nay với sự tham gia đồng chi trả như đi khám, chữa các bệnh khác.
Để lấp dần khoảng trống thiếu hụt khi nguồn thuốc viện trợ quốc tế giảm, từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020.
Để chuẩn bị cho việc triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT, ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 2188) về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Quyết định có thể coi là giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt giảm bắt đầu từ năm 2017.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định: Các địa phương tùy vào vào khả năng ngân sách để tính toán hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều trị thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV. Đặc biệt, Quyết định quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.