Hà Nội

Năm 2017 - Năm quyết liệt phòng chống tham nhũng

02-01-2018 07:08 | Pháp luật
google news

SKĐS - Năm 2017 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu chỉ đạo đưa ra xét xử công khai nhiều vụ đại án tham nhũng đã cho thấy quyết tâm của Đảng loại bỏ tệ tham nhũng trong hệ thống chính trị.

Nhiều vụ đại án được điều tra kỹ, khi đưa ra xét xử có tình tiết mới được chỉ đạo điều tra bổ sung và đã “lôi” ra được nhiều “con sâu” đục khoét trăm tỷ, ngàn tỷ ngân khố quốc gia. PV báo SK&ĐS xin được lược ghi ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia về quyết tâm làm trong sạch hàng ngũ của Đảng, tạo lòng tin vững chắc trong nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: Có hai khái niệm đang phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau

Nếu nhìn lại các vụ án hình sự đang điều tra thì đa phần đã xảy ra cách đây cả chục năm. Như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Vinashin, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó. Tức là các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Có hai khái niệm đang phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau. Từ một số vụ việc này, có ba yếu tố cần phải bàn đến. Đó là thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả, đó là tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao. Đạo đức công vụ của cán bộ, vấn đề lợi ích nhóm. Vấn đề kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành cũng chưa đạt hiệu quả. Để ngăn chặn tham nhũng thì trước hết cần quản lý tài chính tốt, xem xét lại vấn đề đất đai; công khai, minh bạch, để dân được giám sát; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đề cao vai trò của các cơ quan báo chí...

Ông Dương Trung Quốc (ĐBQH Đoàn Đồng Nai): Phải coi tham nhũng là căn bệnh cần thuốc đặc hiệu

Nếu nói về góc độ lịch sử thì tham nhũng ở thời nào cũng có, và muốn tham nhũng thì phải là người có quyền lực mới tham nhũng. Có thể nói tham nhũng ở nước ta được xem như giặc nội xâm, nó làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Cùng với việc vừa qua, các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã công khai xử lý nghiêm các vụ tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, kỷ luật nghiêm cán bộ vi phạm kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ nghỉ hưu đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cán bộ công chức, những người có chức vụ, quyền hạn, tạo được niềm tin trong nhân dân và thúc đẩy ý chí quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị. Những cán bộ có sai phạm cần phải xử lý nghiêm, cần phải có bản án nghiêm túc chứ không được nghiêng về cảnh cáo về mặt Đảng, khiển trách rồi cho nghỉ hưu. Hơn lúc nào hết, người dân đang rất trông chờ vào kỷ cương phép nước, vì chỉ khi thực thi Nhà nước pháp quyền thì mới mong không còn chuyện tham nhũng “nhờn” hay “kháng thuốc”. Việc chống tham nhũng không thể chậm trễ hơn, cũng không thể mỗi nói suông, giơ cao đánh khẽ mà phải coi tham nhũng là căn bệnh cần thuốc đặc hiệu.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH Đoàn Bến Tre) Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Lạm dụng quyền lực chỉ nhỏ đi khi quyền lực được giám sát tốt


Nếu nhìn lại một số vụ việc “chọn người nhà chứ không chọn người tài” hay “cả nhà làm quan” được phanh phui trong thời gian qua sẽ thấy tham nhũng quyền lực dường như đã trở thành “phổ biến” với nhiều tầng nấc. Cha bổ nhiệm con hay nói cho đúng cha tạo điều kiện để con được bổ nhiệm vào những vị trí rồi cũng có quyền lực; “sếp” nâng đỡ “không trong sáng” một nhân viên không cùng họ hàng huyết thống đều là biểu hiện của tham nhũng quyền lực. Để xảy ra những vi phạm đáng tiếc như ở các tập thể, cá nhân trong kết luận của UBKTTW thời gian qua cũng cho thấy một thực trạng đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ.

Kết luận của UBKTTW được người dân đồng tình nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Đó là làm thế nào để chặn đứng tham nhũng quyền lực? Làm cách nào ngăn người ta “nâng đỡ không trong sáng” lẫn nhau? Quy trình bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ nhưng tại sao vẫn xảy ra nhiều sai phạm? Muốn kiểm soát quyền lực thành công thì không thể dựa vào đạo đức của người đứng đầu mà phải dựa vào việc xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế, thể chế để dựa vào đó mà hành xử. Và cơ hội lạm dụng quyền lực chỉ nhỏ đi khi quyền lực được giám sát tốt hơn. Nếu cứ loay hoay với những giải pháp, thiếu căn cơ mà không có những đột phá như thời gian qua thì nạn tham nhũng sẽ từng ngày, từng giờ bào mòn lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM: Phải phát hiện được “củi tươi” đã hỏng để xử lý

Những ngày qua, các tầng lớp nhân dân trong cả nước thể hiện sự tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta. Một số người trước kia còn e có vùng cấm, còn nghĩ chỉ “tắm từ vai trở xuống” thì nay tin tưởng hơn khi đã có nhiều cán bộ cấp cao bị UBKTTW kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật. Biện pháp chống tham nhũng cần làm ngay, làm thường xuyên là phải phát hiện được “củi tươi” đã hỏng để xử lý. Bởi nếu “củi tươi” còn ở ngoài lò thì vẫn gây hậu quả và nguy hiểm hơn là nó hình thành nhóm “củi tươi” có chung lợi ích thì sẽ khó chống hơn. Quyết liệt chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Lần này là làm thật, làm đến nơi đến chốn, không còn vùng cấm, không còn ai được đứng trên kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ai đã vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham nhũng thì phải trừng phạt nghiêm khắc. Phải lấy lại những tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà họ đã chiếm đoạt. Phải xử thật nghiêm để những kẻ manh nha đầu óc muốn tham nhũng nhìn vào đấy mà khiếp sợ.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn