Năm 2015: Kinh ngạc với 6 ca ghép tạng lần đầu tiên trên thế giới

23-12-2015 20:54 | Y học 360
google news

SKĐS - Năm 2015 khép lại với rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực y học, trong đó phải kể đến những thành công của y học thế giới khi lần đầu tiên tiến hành các ca cấy ghép chưa từng xuất hiện trong lịch sử y văn.

Nhờ sự tiến bộ và phát triển của khoa học công nghệ trong đó có khoa học về y tế, năm 2015 các y bác sĩ của thế giới đã tiến hành rất nhiều ca cấy ghép  chưa từng được biết đến trong lịch sử, đem lại cuộc sống mới cho bệnh nhân. Điều này cũng góp phần mở ra những trang mới của lịch sử y học trong lĩnh vực cấy ghép các bộ phận cơ thể người. Dưới đây là 6 ca cấy ghép lần đầu tiên được thực hiện trong lịch sử :

Ghép dương vật thành công với đầy đủ các chức năng “đàn ông”

Ca ghép dương vật đầu tiên trên thế giới diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2006, tuy nhiên ca cấy ghép đã thất bại chỉ sau 15 ngày, bệnh nhân được cấy ghép đã quay lại bệnh viện và yêu cầu cắt bỏ bộ phận này vì nó bị sưng lên và gây phiền toái cho người bệnh. Đến tháng 12/ 2014, một người đàn ông 21 tuổi đã trở thành bệnh nhân thứ hai được ghép dương vật trên thế giới.  Ca phẫu thuật do các bác sĩ tại viện Tygerberg ở Cape Town, Nam Phi tiến hành. Bệnh nhân bị mất dương vật sau một ca phẫu thuật cắt bao quy đầu hỏng.  Các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ đồng hồ, tuy nhiên 3 tháng sau họ mới công bố ca phẫu thuật cấy ghép đặc biệt này sau khi đã xác nhận dương vật hoàn toàn phục hồi với đầy đủ chức năng của nó. Đến tháng 6/2015, các bác sĩ vui mừng thông báo, bạn gái của bệnh nhân đã mang thai tự nhiên. Đây được coi là một bước đột phá của y học vì lần đầu tiên một ca cấy ghép dương vật mà bộ phận cấy ghép có đầy đủ chức năng như bộ phận ban đầu.

Ghép sọ và da đầu

Vào tháng 5 năm 2015, bệnh nhân James Boysen, 55 tuổi, đã cùng lúc được cấy ghép nhiều bộ phận như tuyến tụy, thận, da đầu và hộp sọ sau nhiều năm chiến đấu với một dạng hiếm của ung thư xương. Do sử dụng phương pháp điều trị ung thư bằng xạ trị, một phần da đầu của  bệnh nhân bị phá hủy, các  bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã quyết định tiến hành một ca cấy ghép hộp sọ với các mô da dầu nguyên vẹn. Cuộc phẫu thuật  với 50 bác sĩ- những chuyên gia về vi phẫu, thần kinh, chỉnh hình, đứng đầu là bác sĩ phẫu thuật - Tiến sĩ Jesse Selber của Trung tâm Ung thư MD Anderson đã giúp bệnh nhân có lại một phần hộp sọ và da đầu mới.

Năm ngoái, một phụ nữ Hà Lan đã được ghép hộp sọ từ máy in 3D, tuy nhiên bệnh nhân Boysen là người đầu tiên trên thế giới nhận được bộ phận cấy ghép là hộp sọ từ một con người. Ca phẫu thuật kéo dài 15 giờ đã đem lại cho bệnh nhân  Boysen một cuộc sống mới.

Lần đầu tiên cấy ghép tay cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất thế giới

Vào tháng 7/ 2015, bệnh nhân Zion Harvey - 8 tuổi ở Mỹ đã trở thành bệnh nhân nhỏ tuổi nhất thế giới được cấy ghép đôi tay. Ca phẫu thuật kéo dài 11 giờ với 40 nhân viên y tế tiến hành tại một bệnh viện ở Philadelphia. Cậu bé đã mất cả 2 tay và chân lúc lên 2 tuổi do bị bệnh nhiễm trùng máu đe dọa mạng sống. Thực tế trên thế giới đã có tới hơn 100 trường hợp được ghép tay kể từ trường hợp đầu tiên được cấy ghép tay tại Pháp năm 1998. Nhưng đây là trường hợp một em bé nhỏ tuổi nhất thế giới được tiến hành ca cấy ghép phức tạp này.  Phẫu thuật cấy ghép ở trẻ em phức tạp hơn  người lớn bởi bác sĩ phải tiến hành ghép nối các mạch máu, xương, dây thần kinh, cơ bắp và cả da, đặc biệt phải đảm bảo bộ phận cấy ghép có khả năng vận động và tăng trưởng theo cơ thể của em. Sau một thời gian phục hồi chức năng, các bác sĩ đã thông báo em có thể bắt tay, giữ được quyển sách, vuốt mặt và một số hành động đơn giản khác.


Cấy ghép toàn bộ khuôn mặt

Vụ tai nạn tháng 9/2001 đã cướp đi khuôn mặt của người lính cứu hỏa Pat Hardison, 41 tuổi, khi anh đang tham gia cứu người ở một ngôi nhà đang bốc cháy. Hàng tháng trời nằm viện sau vụ tai nạn Hardison đã vĩnh viễn mất đi toàn bộ khuôn mặt khuôn mặt, da đầu, tai, mí mắt, mũi, môi. Kể từ thời gian đó, anh đã trải qua khoảng 70 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ trong suốt 10 năm dòng với mong ước phục hồi lại một phần khuôn mặt.

Đến tháng 7/ 2015, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của Hardison - tiến sĩ Eduardo Rodriguez  đã tìm được một người hiến tặng toàn bộ khuôn mặt rất phù hợp với Hardison. Cuộc phẫu thuật ghép toàn bộ khuôn mặt kéo dài suốt 26 tiếng đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn trong y học thế giới. Lần đầu tiên các bác sĩ đã cấy ghép và thành công và trả lại cuộc sống bình thường cho một con người kém may mắn. Dự kiến bệnh nhân sẽ kiểm soát hoàn toàn cơ mặt của mình một cách đầy đủ trong vòng 1 năm nữa.

Ghép tim nhân tạo siêu nhỏ

Vào tháng 3/ 2015, Nemah Kahala, một phụ nữ 44 tuổi - mẹ của năm người con, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới cấy ghép tim nhân tạo siêu nhỏ. Cô bị mắc chứng suy tim, sự sống chỉ còn duy trì bằng máy hỗ trợ. Trước đó, cơ quan quản lý Mỹ chỉ phê duyệt những quả tim cấy ghép kích thước lớn còn sản phẩm tim nhân tạo siêu nhỏ này đang được thử nghiệm. Các bác sĩ đã quyết định cấy ghép quả tim thử nghiệm này cho Kahala, giúp cô ổn định để chờ đợi được ghép tim từ những người hiến tặng. Quả tim này đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong 2 tuần và tuần tiếp theo, người phụ nữ may mắn này được phẫu thuật ghép một quả tim mới.

Cấy ghép tử cung

Tháng 11/ 2015, một nhóm các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Cleveland đã công bố lần đầu tiên cấy ghép thành công tử cung của một người hiến tạng đã chết cho một người phụ nữ không có tử cung. Việc cấy ghép tử cung lần  đầu tiên được thực hiện cách đây một năm tại Thụy Điển với người hiến là người sống. Tuy nhiên, Bệnh viện Cleveland đã thành công trong việc cấy ghép từ một phụ nữ đã qua đời.

Sau một năm sống chung với tử cung được cấy ghép, bác sĩ sẽ cho tiến hành thụ tinh nhân tạo và chuyển phôi vào buồng tử cung này.  Hiện ở Mỹ có khoảng 50.000 phụ nữ mắc bệnh có nhu cầu được cấy ghép tử cung.


Hải Yến (theo Medicaldaily)
Ý kiến của bạn