Những lợi ích của Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone (Chương trình điều trị methadone) đối với bệnh nhân, gia đình và xã hội là không thể bàn cãi. Vì vậy, kế hoạch của chúng ta là phải triển khai và mở rộng chương trình này, đến năm 2015 sẽ điều trị cho khoảng 80.000 người...
Mở rộng độ bao phủ
Tính đến hết tháng 5/2014, chương trình đã được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố với 92 cơ sở, điều trị cho 17.521 bệnh nhân. Chương trình đã giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm tần suất sử dụng các chất dạng thuốc phiện, ma túy bất hợp pháp; giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy; giảm tỷ lệ tử vong do liên quan đến ma túy quá liều, tăng hiệu quả của điều trị thuốc ARV; giảm đáng kể hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Bệnh nhân có sự cải thiện đáng kể về mặt sức khỏe, có chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Ngoài ra, chương trình cũng mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội...
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, trung bình một người bệnh sẽ tiêu tốn khoảng 230.000 đồng/ngày để mua heroin, sẽ mất khoảng 84 triệu đồng/năm, trong khi điều trị trung bình cho một bệnh nhân bằng methadone chỉ khoảng 6 - 8 triệu đồng/năm. Với con số 17.521 bệnh nhân đang tham gia điều trị trên cả nước, đã tiết kiệm được khoảng 1.470 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tính đến nay mới có 32 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình methadone với 17.521 bệnh nhân tham gia điều trị, đạt 21,8% mục tiêu đặt ra cho năm 2015, chiếm khoảng 14% tổng số người nghiện chất ma túy có hồ sơ quản lý. Mặc dù, thời gian qua đã có nhiều biện pháp đôn đốc, khuyến khích các tỉnh mở rộng và huy động nguồn tài trợ quốc tế cho Chương trình điều trị methadone, nhưng tốc độ bao phủ vẫn tăng rất chậm. Nếu muốn đạt chỉ tiêu 80.000 bệnh nhân được điều trị methadone vào năm 2015, các tỉnh cần tăng thêm 62.500 bệnh nhân nữa, tức là phải gấp 5 lần số bệnh nhân hiện nay. Như vậy, theo Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm 2015 tại 61 tỉnh/thành phố cần mở thêm 175 cơ sở điều trị mới, cụ thể những tỉnh/thành phố đã có kế hoạch cần mở thêm khoảng 140 cơ sở điều trị và những tỉnh/ thành phố chưa có kế hoạch điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh có số người nghiện ma túy trên 800 người trở lên cần có ít nhất 2 cơ sở điều trị...
Bài, ảnh: Thu Hương