Năm 2013: Cổ phiếu Việt sẽ không còn quá rẻ

13-01-2013 08:15 | Thời sự
google news

Trong năm 2013, nếu việc cho vay tín dụng đối với những lĩnh vực “không khuyến khích” không bị hạn chế, cặp đôi “chứng khoán - bất động sản” cũng có thể tái hiện hình ảnh “bình thông nhau” như thời kỳ năm 2007 và năm 2009.

Trong năm 2013, nếu việc cho vay tín dụng đối với những lĩnh vực “không khuyến khích” không bị hạn chế, cặp đôi “chứng khoán - bất động sản” cũng có thể tái hiện hình ảnh “bình thông nhau” như thời kỳ năm 2007 và năm 2009.
Năm 2013: Cổ phiếu Việt sẽ không còn quá rẻ 1
Thất vọng năm con Rồng

Trái ngược với thái độ thận trọng vào năm ngoái, vào đầu năm 2013 này, báo chí nước ngoài bắt đầu đề cập đến một hiện tượng có tính đặc thù của nền kinh tế Việt Nam: cổ phiếu đang rất rẻ.

Được biết đến như một cộng tác viên của nhiều tạp chí và tổ chức nổi tiếng thế giới như Financial Times, Daily Finance, Business Week hay Standard & Poor’s, trong một bài báo đăng trên Barron’s - tạp chí kinh tế cùng hệ thống với Wall Street Journal, cây viết Michael Shari nhận định rằng Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều thị trường chứng khoán; thị trường chứng khoán ở dưới mức tiềm năng và chưa phản ánh hết tốc độ tăng trưởng thực tế của nền kinh tế, vì vậy Việt Nam lại trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại.

Quả thực, chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) của các công ty thực phẩm, dược phẩm và cao su trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 5 - 7 lần, thấp hơn 30% - 50% so với các nước đang phát triển khác, theo ước tính của ông Mark Mobius - Chủ tịch Quỹ Templeton Emerging Markets.

Còn nhớ vào đầu năm 2012, Forbes - một tạp chí có tiếng của Mỹ chuyên dành cho giới người giàu trên thế giới, cũng có một đánh giá tương tự về tình hình mặt bằng cổ phiếu của Việt Nam quá thấp. Chỉ có điều, năm con Rồng lại không thể chứng kiến một sự hồi sinh đáng kể nào từ thị trường này. Thậm chí, đến cuối năm tình trạng còn trở nên tệ hại hơn đầu năm.

Thấm thoắt, ba năm rưỡi đã trôi qua kể từ sinh nhật thị trường chứng khoán vào tháng 7/2010 - thời điểm đánh dấu cho một bi kịch chưa từng thấy trong lịch sử tồn tại của thị trường này tính từ năm 2001 đến nay. Khác hẳn với chỉ số VNI được gia cố một cách đầy khiên cưỡng bởi một bàn tay vô hình nào đó, chỉ số HNX của sàn Hà Nội đã lao dốc miệt mài, mất đến 90% so với giá trị đỉnh được lập vào tháng 3/2007.

Bò sát hưng thịnh?

Khởi đầu cho năm con Rắn, mọi chuyện đang có vẻ chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Thanh khoản - một trong những mối lo ngại lớn nhất của Ủy ban Chứng khoán nhà nước - đã hồi phục từ mức thấp nhất 300 tỷ đồng trên cả hai sàn lên đến mức 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là có những phiên giao dịch, mức thanh khoản này tăng đến 2.500 - 2.700 tỷ đồng, tức trở lại thời kỳ cao nhất vào giai đoạn 4 tháng đầu năm 2012.

Sự hồi phục về thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng minh chứng cho một lối thoát kỳ lạ: khi hầu hết giới đầu tư đều sốt vó lên vì các dòng tiền đều ẩn giấu quá kỹ lưỡng trong dân cư, chỉ cần một tín hiệu khơi mào và một dòng tiền “mồi” đủ lớn để kích thích thị trường, chẳng bao lâu sau đó tiền không biết từ đâu đã dồn dập đổ vào sàn.

Cổ phiếu cũng vì thế mà được nâng hẳn “mặt bằng dân trí” của chúng. Không còn quá rẻ như ly trà đá hoặc bó rau mà giới phân tích vẫn thường mô tả, một số cổ phiếu đã nhấc mình gấp rưỡi chỉ trong vài tháng qua.

Cũng kể từ đầu tháng 12/2012 là thời điểm thị trường bắt đầu răng cưa đi lên, cho tới nay cả hai chỉ số VNI và HNX đã có được mức tăng trưởng khoảng 20% - tương đương với giá trị tăng của vài con sóng hiếm hoi trong năm 2011 và bằng phân nửa mức tăng của con sóng năm 2012. Những cổ phiếu mà trước đó đã nằm chết gí và có vẻ như không tồn tại biểu hiện nào ngóc đầu lên được, nay bỗng được săn đón một cách kỳ quặc. Đặc biệt, người ta nói đến nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản - những cái tên đã gây thất vọng quá nhiều cho giới đầu tư trong hai năm 2011 - 2012.

Tạm gác qua cổ phiếu chứng khoán với thông tin không mới mẻ, riêng nhóm cổ phiếu bất động sản đã được hỗ trợ đắc lực bởi hàng loạt chính sách ưu ái về giải cứu thị trường này, xuất phát từ Chính phủ và một số bộ ngành quan yếu như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Không thể nói khác hơn là những động thái này đã giúp vực dậy thị trường chứng khoán trong thời gian qua.

Tất nhiên, khối cổ phiếu ngành y tế cũng hòa chung xu hướng vận động của thị trường. Tuy vậy, những nhà đầu tư “ôm” loại cổ phiếu có tính cách phòng thủ này, dù đã không bị thất bát nặng nề trong hai năm qua, nhưng cũng không thể kỳ vọng nhiều vào độ tăng mạnh của cổ phiếu y tế trong bối cảnh thị trường thăng hoa.

Điểm qua một số cổ phiếu ngành y tế như AMV - Kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ, DHG - Dược Hậu Giang, DMC - Xuất nhập khẩu y tế Domesco, CPC - Thuốc sát trùng Cần Thơ, DHT - Dược phẩm Hà Tây, LDP - Dược Lâm Đồng, OPC - Dược phẩm OPC..., có thể thấy một đặc trưng chung là các cổ phiếu này mới chỉ tăng giá khoảng 10 - 15%, tức thấp hơn mức tăng trung bình của thị trường. Cá biệt chỉ có cổ phiếu DCL - Dược Cửu Long - là có mức tăng khó hình dung - 60%, tức gấp ba lần mức tăng của thị trường.

Bàn tay vô hình?

Vào giữa tháng 1/2013, một quy định mới của Ủy ban Chứng khoán nhà nước dự kiến sẽ tái lập biên độ giao dịch trên hai sàn, với cộng trừ 7% ở sàn HOSE và cộng trừ 10% trên sàn Hà Nội. Tuy quy định này không có gì mới, nhưng trong không khí thị trường đang phục hồi, chắc chắn đó là một yếu tố có tính gây sốc và có thể sẽ đẩy thị trường tăng rất mạnh, với điều kiện có một dòng tiền thật sự dồi dào đổ vào thị trường.
Năm 2013: Cổ phiếu Việt sẽ không còn quá rẻ 2
 Năm 2013 thị trường chứng khoán nước ta có khả năng hồi phục và tăng trưởng khá.
Nhưng trong năm 2013 này, có lẽ yếu tố mang tính quyết định đối với sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam là một quy định có thể được Ngân hàng nhà nước ban hành, theo đó không hạn chế việc cho vay tín dụng đối với những lĩnh vực “không khuyến khích” như chứng khoán.

Cặp đôi “chứng khoán - bất động sản” cũng vì thế có khả năng tái hiện hình ảnh “bình thông nhau” như thời kỳ năm 2007 và năm 2009. Cũng cần nói thêm, cho tới nay, vấn đề thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp, ngân hàng đã cơ bản được giải quyết.

Vấn nạn còn lại trong câu chuyện thoái vốn chỉ còn nằm trong thị trường bất động sản, nơi mà cổ phiếu bất động sản vẫn còn “quá rẻ” và đang được một bàn tay vô hình nào đó tìm cách đẩy lên.

Dũng Hà


Ý kiến của bạn