* Nhật Bản sẽ xóa nợ 300 tỷ yen (khoảng 2,8 tỷ euro) của Myanmar.
* Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc thắt chặt quan hệ với Myanmar.
* EU, Hoa Kỳ giảm nhẹ cấm vận đối với Myanmar.
Ngày 21/4, Tổng thống Myanmar gặp Thủ tướng Nhật Bản tại Tokyo, Nhật Bản sẽ xóa nợ 300 tỷ yen của Myanmar. Tổng thống Thein Sein bắt đầu chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia Myanmar từ 28 năm qua đến Nhật Bản chủ yếu để thương lượng việc xóa nợ của Myanmar đối với Nhật Bản. Về phần Tokyo cũng sẵn sàng xóa một phần nợ cho Myanmar để có thể giành vị thế ưu tiên, tại một thị trường hiện đang được rất nhiều nước nhòm ngó.
Tờ Asahi Shimbun cho biết thêm, sau khi xóa khoản nợ nói trên, Nhật Bản dự trù sẽ cho Myanmar vay tiền lần đầu tiên từ 25 năm qua. Khi quyết định xóa bớt nợ và cho Myanmar vay tiền trở lại, Nhật Bản rõ ràng muốn chiếm giữ vị trí hàng đầu tại một quốc gia hấp dẫn, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nhân công rẻ.
Myanmarcó vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực. |
Vốn từng chiếm đóng Myanmar trong thời gian Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 10 tỷ usd vào Myanmar kể từ năm 2008, theo số liệu của Tổ chức Thống kê Trung ương đặt tại thủ đô Naypidaw. Ngay cả trong thời kỳ Myanmar bị cô lập trên trường quốc tế, Tokyo vẫn duy trì các mối quan hệ thương mại và đối thoại với chế độ quân phiệt. Quan điểm của Tokyo vẫn là: tỏ thái độ quá cứng rắn đối với chính quyền quân sự sẽ chỉ khiến cho Myanmar xích gần lại Trung Quốc. Với những mối quan hệ sẵn có, các công ty Nhật Bản đang chuẩn bị chiếm lĩnh thị trường Myanmar. Hãng Honda muốn xây một nhà máy sản xuất xe gắn máy ở Myanmar.
Theo ông Kei Nemoto, giáo sư chuyên về Myanmar tại Trường đại học Sophia ở Tokyo, các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản thấy rằng đã đến lúc phải tăng cường quan hệ với Myanmar, nếu không sẽ không thể cạnh tranh với những đối thủ khác, bởi vì Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đã thắt chặt quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này. Ấy là chưa kể cạnh tranh sẽ đến từ các nước Âu - Mỹ sau khi EU tới đây chính thức quyết định giảm nhẹ cấm vận đối với Myanmar và Hoa Kỳ cũng vừa thông báo sẽ giảm bớt những hạn chế về tài chính và mậu dịch trong một số lĩnh vực đối với nước này.
Tuần trước, Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU cuối cùng cũng đã thông qua một thỏa thuận theo đó, tạm đình chỉ các lệnh cấm vận Myanmar trong vòng một năm. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cũng khẳng định rằng lệnh cấm vận vũ khí và các dụng cụ đàn áp không nằm trong thỏa thuận này. Trên thực tế, bản thỏa thuận này là một sự thỏa hiệp giữa các nước mong muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt ngay từ đầu (đại diện là nước Đức) và những nước như Anh quốc khuyên nên có một biện pháp từng bước.
Với vị trí địa lý của mình, Myanmar là “quân bài” quan trọng trong chiến lược trên của Trung Quốc. Họ được tạp chí Thế giới Ngoại giao của Mỹ ví von là “California” của Trung Quốc. Giới hoạch định chính sách Bắc Kinh từng công khai chính sách hai đại dương của nước này - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, theo đó, Myanmar chính là cầu nối dẫn đến vịnh Bengal cũng như các biển khác. Ngoài ra, an ninh năng lượng cũng là lý do chiến lược khiến Bắc Kinh phải “yêu” Myanmar.
Các số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhập khẩu, trong đó 80% qua eo biển Malacca. Nếu eo biển này bị tấn công, Bắc Kinh sẽ mất đường cung ứng nguyên liệu quan trọng. Vì vậy, nếu có được tuyến vận qua Myanmar, Trung Quốc sẽ giải được rất nhiều vấn đề trong bài toán năng lượng. Với tầm quan trọng chiến lược như vậy, Trung Quốc tìm mọi biện pháp để gia tăng ảnh hưởng ở Myanmar, từ kinh tế đến chính trị, quân sự, ngoại giao.
Chính những động thái gia tăng can dự của Trung Quốc vào Myanmar khiến Ấn Độ không thể “ngồi yên”. Myanmar giữ vai trò rất quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với New Dehli, là cửa ngõ để Ấn Độ tiến xuống Đông Nam Á.
Giới phân tích nhận định, việc Trung Quốc và Ấn Độ liên tục đẩy mạnh chiến lược can dự vào Myanmar với nhiều điều kiện ưu đãi tạo điều kiện để nước này “cành cao” nhằm tìm kiếm nhiều lợi ích hơn nữa. Bên cạnh đó, việc Mỹ quay lại tìm kiếm ảnh hưởng ở châu Á, trong đó Myanmar là một mắt xích quan trọng, cộng với việc Ấn Độ đã “thức tỉnh” vai trò chiến lược của NayPyiTaw khiến Myanmar “bâng khuâng đứng giữa nhiều dòng nước”.
Song Minh (Theo RFI, AP)