Hà Nội

Mỹ yêu cầu Trung Quốc từ bỏ đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông

06-02-2014 09:43 | Quốc tế
google news

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ngày hôm qua (5/2) đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, trong đó có đường 9 đoạn bị xem là phi pháp và gây căng thẳng.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ngày hôm qua (5/2) đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, trong đó có đường 9 đoạn bị xem là phi pháp và gây căng thẳng.

 Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Danny Russel
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Danny Russel

Với việc căng thẳng trong khu vực đã lên cao sau khi Bắc Kinh áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên cả các quần đảo do Nhật quản lý trên biển Hoa Đông, dư luận quốc tế đang lo ngại về một sự đối đầu mới trong một tranh cãi khác trên biển Đông, nơi căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt, nhất là với Philippines.

Phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về tình hình trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực này, ông Danny Russel, đã thách thức Trung Quốc có thể đưa ra các cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của nước này đối với phần lớn biển Đông, thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Ông Russel khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển theo luật pháp quốc tế phải dựa trên đặc điểm về lãnh thổ.

“Bất kỳ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc mà không dựa trên đặc điểm chủ quyền lãnh thổ sẽ là không tuân thủ luật pháp quốc tế”, vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói.

“Trung Quốc có thể chứng tỏ sự tôn trọng luật pháp quốc tế của mình bằng cách làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố chủ quyền của mình để nó tuân theo luật pháp quốc tế về biển”.

Russel cũng ủng hộ quyền của Philippines trong việc đưa vấn đề ra một tòa án Liên hợp quốc – một động thái bị Trung Quốc lên án hồi năm ngoái – như một nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp “hòa bình, không ép buộc”.

“Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc liên quan tới tuyên bố chủ quyền biển Đông đã tạo ra sự bất ổn trong khu vực, và hạn chế triển vọng đạt được những giải pháp được các bên chấp thuận, hoặc những sự thỏa thuận cùng phát triển công bằng”, ông Russel khẳng định.

Nhận xét của ông Russel cho thấy quan điểm ngày càng rõ ràng của Mỹ về biển Đông. Năm 2010, ngoại trưởng Mỹ khi đó, bà Hillary Clinton, đã tuyên bố trong một chuyến thăm Việt Nam rằng, sự tự do đi lại trên biển là một lợi ích quốc gia của Mỹ trên biển Đông, nơi hơn một nửa hàng hóa thế giới được vận chuyển qua.

Tuy nhiên, Mỹ trong khi tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh như Nhật và Philippines, nhìn chung vẫn nhấn mạnh rằng họ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại châu Á. Đây là quan điểm mà ông Russel vẫn tái khẳng định.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng lặp lại những cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Đông, Mỹ sẽ không thừa nhận cũng không chấp thuận.

“Chúng tôi không công nhận cũng không chấp thuận ADIZ mà Trung Quốc đã tuyên bố”, Russel nói. “Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc rằng họ không nên cố gắng áp đặt ADIZ, và nên ngừng có hành động tương tự ở những nơi khác trong khu vực”.

Thời gian qua, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã bác bỏ ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông bằng cách cử chiến đấu cơ nhiều lần bay qua mà không thông báo cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hạ nghị sỹ Steve Chabot, Chủ tịch tiểu ban châu Á của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã phát đi những “tín hiệu lẫn lộn” khiến Trung Quốc càng lẫn tới.

“Đã đến lúc chính quyền cần hành động thay vì chỉ nói, và tìm cách để đảm bảo với khu vực nêu trên rằng nước Mỹ sẽ hiện diện tại khu vực này, và tương lai của Mỹ tại châu Á là mạnh mẽ, có tính cam kết và chắc chắn”, ông Chabot nói.

 

 


Ý kiến của bạn