Mỹ và cơn ác mộng COVID-19 được báo trước

07-04-2020 12:28 | Quốc tế

SKĐS - Tại cuộc họp báo mới nhất tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ D.Trump nhận định, nước Mỹ đang tiến đến một thời điểm rất khủng khiếp, người Mỹ có lẽ chưa bao giờ thấy những con số thống kê vốn có lẽ “chỉ có trong thời chiến tranh, Thế chiến I hay II”.

Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams  nói với NBC hôm 6/4 rằng: “Tuần tới sẽ là thời khắc Trân Châu Cảng của chúng ta. Đây sẽ là thời khắc khó khăn nhất trong suốt cuộc đời của nhiều người Mỹ”.

“Tình hình sẽ còn xấu đi. Chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó. Nó sẽ khiến một vài người sốc và chắc chắn sẽ rất đau lòng để chứng kiến mọi việc. Chúng ta cần vượt qua tuần tới dù nó rất tồi tệ. Đáng tiếc là sẽ có rất nhiều người chết” - BS. Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm bình luận hôm 6/4.

2 tuần “đau đớn”

Mỹ hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 với tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2  là hơn  336.000  người - tăng hơn 23.000 trường hợp so với một ngày trước đó. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm đến 1.225 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 9.600  người, tính đến sáng 6/4.

Theo hãng tin CNN của Mỹ, cứ trung bình hơn một phút, lại có một người ở Mỹ tử vong vì COVID-19. Tình trạng này  kéo dài nhiều ngày qua khi chính quyền một số bang của Mỹ thông báo thiếu máy thở dành cho các bệnh nhân nặng cũng như trang thiết bị y tế dành cho tuyến đầu chống dịch.

Bang New York hiện là ổ dịch COVID-19 lớn nhất Mỹ, nhưng nhà chức trách địa phương cho biết các bang New Jersey, Michigan, Pennsylvania, Colorado và thậm chí cả Thủ đô Washington cũng đang trở thành các “điểm nóng” khác về dịch.

Các chuyên gia y tế của Nhà Trắng thậm chí không ngần ngại đưa ra dự đoán sẽ có khoảng từ 100.000 - 240.000 người Mỹ có thể tử vong trong đại dịch COVID-19, ngay cả khi lệnh phong tỏa xã hội được thực thi nghiêm khắc.

Sau nhiều giờ dài hỗ trợ các bệnh nhân mắc COVID-19, một nhân viên y tế Mỹ mệt mỏi ngồi nghỉ trong khuôn viên Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York.

Sau nhiều giờ dài hỗ trợ các bệnh nhân mắc COVID-19, một nhân viên y tế Mỹ mệt mỏi ngồi nghỉ trong khuôn viên Bệnh viện Brooklyn ở thành phố New York.

Cái giá của sự nhận định không đúng mực

“Về cơ bản, nước Mỹ đã lãng phí mất 2 tháng để phòng chống dịch bệnh” - ông Katheleen Sebelius, từng giữ chức Thư ký dịch vụ y tế và nhân đạo thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định.

Kể từ khi Trung Quốc tiết lộ trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên, tức khoảng 3 tháng trước,  nước Mỹ dường như đứng ngoài cuộc. Và kể cả khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Chính quyền Mỹ vẫn không có động thái nào đủ mạnh để đến lúc này, nước Mỹ đã trở thành tâm dịch COVID-19 lớn nhất thế giới.

Giờ đây, các bác sĩ và bệnh viện tại nước Mỹ, đặc biệt là ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đang tranh giành các vật dụng thiết yếu để cứu những người bị virus tấn công và bảo vệ các chuyên gia y tế. Việc thiếu nguồn cung cấp các trang thiết bị y tế buộc nhân viên y tế phải sử dụng lại thiết bị hiện có hoặc tự tạo ra thiết bị tạm thời. Việc thiếu máy thở khiến các quan chức y tế lo ngại rằng họ sẽ sớm bị buộc phải thực hiện các biện pháp y tế, quyết định tại chỗ bệnh nhân nào nhận được sự hỗ trợ duy trì sự sống và bệnh nhân nào không.

“Lẽ ra, nước Mỹ không rơi vào tình trạng này, Chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc duy trì đầy đủ kho dự trữ vật tư cần thiết để đối phó với đại dịch như thế này - và sau đó lại chuyển động quá chậm khi bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên rõ ràng” - ông Jeffrey Levi, Giáo sư chính sách và quản lý y tế tại Đại học George Washington, cho hay.

Theo GS. Levi, việc cho xét nghiệm sớm - như được thực hiện ở các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore - là chìa khóa để kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh như COVID-19. Sự thất bại trong việc đáp ứng với  tình hình dịch bệnh được cho là một thất bại  của Mỹ,  từ đó các biến chứng tiếp theo đã xảy ra...


Hà Anh
Ý kiến của bạn