Quan hệ Nga - Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Washington vừa tung ra một loạt đòn trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân, tổ chức tài chính mà Mỹ cho là có liên quan đến tình hình bất ổn tại Ukraine.
Tổng thống V.Putin giận dữ tuyên bố các biện pháp trừng phạt thông thường có xu hướng để lại hiệu ứng boomerang và trong trường hợp này không có bất kỳ nghi ngờ nào là chúng sẽ đưa quan hệ Nga - Mỹ vào chỗ bế tắc, gây thiệt hại rất nghiêm trọng. “Tôi cho rằng điều đó có hại cho lợi ích chiến lược quốc gia lâu dài của Nhà nước và nhân dân Mỹ. Điều đáng tiếc là đối tác của chúng tôi đang đi trên con đường như vậy. Chúng tôi không đóng cửa các cuộc đàm phán để giải quyết tình trạng này. Hy vọng rằng, sự tỉnh táo và mong muốn giải quyết tất cả các vấn đề này bằng phương tiện ngoại giao hòa bình sẽ chiếm ưu thế”.
Lệnh trừng phạt khiến cổ phiếu các tập đoàn hợp tác với Rosneft bị ảnh hưởng.
Tổng thống Putin cũng cho biết, ông cần xem xét chi tiết các lệnh trừng phạt để nắm rõ phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc Mỹ trừng phạt Nga sẽ khiến những doanh nghiệp Mỹ muốn hoạt động kinh doanh ở Nga sẽ mất đi khả năng cạnh tranh. Ông Putin cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi “đối tác” của Nga chọn cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhưng Nga “sẽ không đóng cửa đối với các biện pháp đàm phán”. Đồng thời, ông muốn chứng kiến cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ và các tay súng ly khai ở Ukraine nhanh chóng kết thúc.
Trước đó, ngày 16/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tăng cường biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga. 8 công ty vũ khí Nga sản xuất vũ khí hạng nhẹ, đạn pháo và xe tăng cũng bị cấm vận trực tiếp. Washington cũng ra lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản một số quan chức Nga, bao gồm lãnh đạo tình báo Sergei Besesda và ông Oleg Savelyev, Bộ trưởng phụ trách việc sáp nhập Crimea vào Nga. Vài người trong số này còn đang là mục tiêu trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra còn có Ngân hàng Gazprombank và Tập đoàn Dầu khí Rosneft. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành Rosneft Igor Sechin cho biết, lệnh trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án hiện nay của Rosneft với ExxonMobil nhưng sẽ khiến cổ phiếu của nhiều tập đoàn của Mỹ hợp tác với Rosneft bị ảnh hưởng nặng nề. Dù lệnh trừng phạt này không cấm việc Rosneft bán dầu khí của mình nhưng nó cũng được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến những thương vụ liên quan đến dầu khí của Rosneft với BP trị giá tới 15 tỷ USD. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt lần này lại không hề nhắm đến tập đoàn khí đốt hàng đầu thế giới của Nga là Gazprom. Điều này có thể là do Gazprom là tập đoàn cung cấp khí đốt chủ yếu của nhiều nước châu Âu.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, những biện pháp trên là đòn trừng phạt mạnh mẽ nhất của Washington cho đến nay đối với nền kinh tế Nga. Lệnh trừng phạt nói trên nhằm vào những doanh nghiệp chủ chốt của Nga, trong đó bao gồm cả Ngân hàng Gazprombank và Tập đoàn Dầu khí Rosneft, cùng với một số công ty quốc phòng.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ còn nhằm vào một số quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Crimea Oleg Savelyev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) Sergei Neverov, trợ lý Tổng thống Igor Shchegolev và Thủ tướng Cộng hòa nhân dân Donetsk Aleksandr Boroday.
Giải thích về quyết định nói trên, Tổng thống Mỹ Obama cáo buộc ông Putin đã không tiến hành các bước đi cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine một cách hòa bình. “Chúng tôi đã nhấn mạnh quan điểm của mình là giải quyết vấn đề này thông qua biện pháp ngoại giao và chúng tôi muốn nhìn thấy những hành động cụ thể chứ không chỉ là lời nói từ phía Nga”, ông Obama nói.
Quyết định trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra sau nhiều tuần Washington cảnh báo Moscow chưa tuân thủ các yêu cầu của phương Tây trong việc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục các phần tử ly khai ở Đông Ukraine hạ vũ khí và ngăn chặn việc tuồn vũ khí cũng như thiết bị quân sự qua biên giới vào Ukraine.
Trong khi đó, EU hôm 16/7 cũng thống nhất trừng phạt những công ty Nga liên quan đến bất ổn ở Ukraine, chặn những khoản vay mới của Moscow từ hai tổ chức đa phương. EU dự kiến soạn xong bản danh sách đầu tiên gồm các công ty và cá nhân bị đóng băng tài sản theo các tiêu chuẩn mới vào cuối tháng 7 này. Trước mắt, EU ra lệnh cho Ngân hàng Ðầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết & phát triển châu Âu (EBRD) dừng tiếp vốn các dự án ở Nga.
(Theo CNN, AP)