Hà Nội

Mỹ tung đòn trừng phạt Iran: Thúc đẩy hình thành liên minh chống Mỹ

17-08-2018 07:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mỹ vừa thẳng tay tung một loạt đòn trừng phạt Iran. Lệnh trừng phạt đó không chỉ làm cho mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran căng thẳng, mà còn tạo ra những diễn biến bất ngờ trong quan hệ quốc tế, dự báo về nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột mới ở khu vực Trung Đông.

Iran “quay cuồng” trong cơn bão trừng phạt

Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran là “chưa từng có”, theo đó, Mỹ sẽ cấm Iran tham gia các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran. Gói biện pháp trừng phạt tiếp theo sẽ nhắm vào nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới.

Các biện pháp trừng phạt ngay lập tức ảnh hưởng tới nền kinh tế vốn đang kiệt quệ của Iran, đồng tiền nội tệ rial của Iran vốn đang mất giá 50% kể từ tháng 4 vừa qua  giờ đang gặp “sóng dữ”, từ đó kéo theo vấn đề lạm phát tăng cao, do chi phí hàng hóa tăng, cộng thêm tình trạng thất nghiệp kéo dài... Giờ đây, Iran không chỉ bị siết các giao dịch tài chính, ngay cả nguồn thu duy nhất từ dầu mỏ của Iran cũng bị Mỹ “chặn đứng”. Tất cả sẽ khiến cho nền kinh tế  của đất nước Hồi giáo này suy sụp?

Một số nhà phân tích nhận định, hiện mối quan hệ giữa Iran và nhiều nước phương Tây không còn như trong quá khứ và Iran không phải như vài chục năm trước đây. Việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran - quốc gia có hàng chục năm gánh hết đòn trừng phạt này tới biện pháp trừng phạt khác của Mỹ - có lẽ sẽ không làm Iran bị ảnh hưởng quá nặng. Bởi không giống với trước đây, Iran bị cô lập dưới các lệnh trừng phạt thì nay nước này nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây, họ vẫn muốn quan hệ thương mại với Iran đảm bảo duy trì Thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Thậm chí châu Âu còn cho biết sẽ thực hiện quy chế phong tỏa để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với Iran trước ảnh hưởng của lệnh cấm vận. Quy chế này sẽ giúp ngăn các công ty châu Âu tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu.

Mỹ tung đòn trừng phạt IranMột liên minh mới xuất hiện sau khi hàng loạt quốc gia nhận các biện pháp trừng phạt của Mỹ.


Biện pháp trừng phạt của Mỹ thúc đẩy hình thành liên minh chống Mỹ

Mục tiêu của Mỹ trong áp đặt các biện pháp trừng phạt mới này với Iran là hướng tới một thỏa thuận mới có lợi hơn với Iran, nhưng ban lãnh đạo Iran đã bác bỏ hoàn toàn khả năng đàm phán bởi họ cho rằng Mỹ không còn đáng tin, khi phải ngồi vào đàm phán với một thứ “vũ khí” trừng phạt trên đầu là điều không nên làm.

Chưa biết tác dụng đòn trừng phạt của Mỹ với Iran tới đâu, nhưng những hệ lụy nó mang lại trong quan hệ quốc tế đang dần lộ diện. Một khối liên kết mới đang hình thành, thách thức trật tự do Mỹ thiết lập, đó là mối liên kết giữa Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc. Giám đốc Viện Nghiên cứu khủng hoảng Oxford Mark Almond cho biết, Tổng thống Mỹ đang tạo ra một trục kẻ thù, bằng việc đẩy các quốc gia cùng nhận sự trừng phạt của Mỹ trở thành một Liên minh chống Mỹ.

Trung Quốc - quốc gia đang có cuộc chiến thương mại chưa có điểm dừng với Mỹ, tuyên bố phớt lờ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu của Iran. Ngay cả đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận “món quà” không ai mong muốn là tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ với các mặt hàng nhôm thép. Sự sụt giảm của đồng rúp của Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc, rial của Iran hay Lira của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sức mạnh của Mỹ với vai trò đầu tàu của  nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên việc sử dụng “vũ khí” kinh tế như một biện pháp để  giành lợi thế chính trị liệu có phải con đường đúng? Những bài học lịch sử đã cho thấy khi bị tạo áp lực, bị dồn nén đến đường cùng, khiến những nước này cùng nhìn về một hướng, họ có khả năng gây rối loạn không chỉ thị trường dầu mỏ mà cả vấn đề chính trị khác, như vậy các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ trở nên phản tác dụng, thậm chí có thể gây sức ép ngược lại với Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã từng ám chỉ, các áp lực từ Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy những người bạn mới. Nếu chỉ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là mối lo với Mỹ nhưng với sức mạnh của cả Nga và Trung Quốc cộng lại, một khu vực địa chính trị mới có thể hình thành.


Hải Yến
Ý kiến của bạn