Mỹ tử vong hơn 75.000 người, Nga vượt qua Pháp, Đức vào top 5 quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19

08-05-2020 09:31 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia dịch tễ mặc dù một số nước đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế, nhưng làn sóng COVID-19 thứ 2 đang tiến gần, có thể sẽ làm cho các quốc gia phải quay lại các biện pháp phong tỏa.

Theo thống kê của worldmeter,  đến 9h sáng ngày 8/5, có hơn 270.000 người trên thế giới  chết vì dịch bệnh COVID-19, số người mắc bệnh lên tới 3,9 triệu trường hợp, trong khi có hơn 1,3 triệu người đã khỏi bệnh. Trong  vài ngày qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới khá cao, luôn ở mức trên 94.000 ca mỗi ngày.

*Châu Âu và Mỹ bắt  đầu nới lỏng dần những  hạn chế nhằm tiến tới khôi phục nền kinh tế, các chuyên gia y tế  bày tỏ sự lo ngại  ngày càng tăng về  một làn sóng tử vong và lây  nhiễm  thứ hai  có thể khiến các quốc gia phải phong tỏa trở lại.

* Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 có thể giết từ 83.000 đến 190.000 người ở Châu Phi trong năm đầu tiên và lây nhiễm cho khoảng  29 triệu đến 44 triệu người  trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

* Trung Quốc đã rời khỏi top 10 các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh, Mỹ và các nước châu Âu vẫn nằm trong nhóm các nước có nhiều người nhiễm bệnh và tử vong nhất thế giới.  Theo dự đoán, thứ tự 10 quốc gia hàng đầu sẽ thay đổi trong thời gian tới.

*Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở  Nga vẫn đang có xu hướng tăng, hiện có hơn 177.000 người mắc bệnh. Nga  đã vượt qua Pháp và Đức để trở thành tổng số người mắc bệnh cao thứ 5  trên thế giới sau khi số ca mắc theo ngày  tăng kỷ lục với cấp độ hơn 10.000 người mỗi ngày liên tiếp.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ, tính đến sáng 8/5, có gần 269.000 người  chết trên toàn thế giới do COVID-19,  các trường hợp nhiễm bệnh lên  3,9 triệu và 1,3 triệu người  đã hồi phục. Riêng tại  Mỹ, số người mắc bệnh  đã lên sát  1,3 triệu người với hơn 76.000  người tử vong. Dự báo ngày mai, số ca  mắc bệnh trên thế giới sẽ cán mốc 4 triệu người.

Test nhanh phát hiện COVID-19

Bang New York  bị nghi là nguồn lây nhiễm chính cho nước Mỹ

Trong ngày 7/5, một nghiên cứu cho thấy, New York là nguồn lây nhiễm chính khiến đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ bởi hàng nghìn trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã di chuyển từ thành phố này và phát tán mầm bệnh tới các bang khác ở nước Mỹ.

Nghiên cứu do các chuyên gia của trường Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Yale thực hiện. Theo đó, tình trạng lây nhiễm đã lan rộng ở thành phố New York từ trước khi giới chức địa phương bắt đầu cho phép thực thi các biện pháp giãn cách xã hội và chính vì vậy, dịch bệnh đã bùng phát ra nhiều bang khác như Louisiana, Texas, Arizona, và thậm chí lan tới tận các bang ở bờ Tây.

Trong thời gian tới, chính quyền thành phố New York sẽ cung cấp khoảng 140.000 bộ xét nghiệm kháng thể miễn phí cho những người dân muốn biết mình có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không.  Tuần trước, giới chức thành phố đã cung cấp 140.000 bộ xét nghiệm kháng thể cho các nhân viên y tế đang làm việc tại tuyến đầu chống dịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số 27.000 nhân viên y tế tại 25 bệnh viện đã được xét nghiệm, chỉ có 12% (khoảng 3.200 người) có kháng thể chống SARS-CoV-2.

Trước đó, hoạt động xét nghiệm được tiến hành đối với những người dân được lựa chọn ngẫu nhiên ở các siêu thị cho thấy, có tới 20% trong số này có kháng thể chống virus SARS-CoV-2.

Hãng hàng không  Frontier Airlines của Mỹ  cho biết sẽ bắt đầu kiểm tra nhiệt độ cho tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn từ ngày 1/6, bất kỳ ai có nhiệt độ  thân nhiệt là 38 độ C sẽ bị cấm bay. Theo hãng   Frontier  cho biết, đây là biện pháp nhằm chung tay cùng chính phủ ngăn chặn dịch bệnh.

Nga vượt qua Pháp và Đức đứng thứ 5 thế giới về số ca mắc bệnh

Liên tiếp những ngày qua, Nga liên tục ghi nhận các số liệu  kỷ lục  về người mắc bệnh theo   ngày. Quốc gia này đã chính thức  vượt qua Pháp và Đức trở thành nước thứ 5 trên thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo dự báo của các chuyên gia, sẽ không có nhiều thay đổi trong top các nước bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 nhưng thứ tự các nước sẽ thay đổi trong những ngày tới.

Nga hiện là quốc gia có số  trường hợp nhiễm COVID-19 đứng thứ 5 trên thế giới, trong ngày 7/5, số ca nhiễm mới tăng  kỷ lục 11.231 trường hợp chỉ trong 1 ngày, nâng tổng số người mắc bệnh  lên 177.160, cao thứ tư ở châu Âu và cao thứ năm trên thế giới.  Một quan chức Moscow- thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất của Nga- cho biết,  số trường hợp mắc bệnh  ở thủ đô Moscow có thể nhiều gấp 3  lần so với con số thực tế.

Pháp sẽ xét nghiệm COVID-19 diện rộng

Bộ trưởng Y tế Pháp  Olivier Véran khẳng định, Pháp đã sẵn sàng triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng. Đối tượng được xét nghiệm trong thời gian trước mắt sẽ là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh, có triệu chứng và đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.  Bộ trưởng Véran nhấn mạnh, những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ bắt buộc phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày, hàng ngày phải đo thân nhiệt ít nhất 2 lần và thực hiện xét nghiệm sau 7 ngày kể từ lần cuối tiếp xúc với bệnh nhân. Kể cả khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, những trường hợp này vẫn phải tiếp tục tự cách ly thêm 7 ngày nữa. Pháp cũng là quốc gia có tới 174.000 người mắc bệnh, tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh gần 15%.

Australia chuẩn bị giảm bớt các hạn chế theo  giai đoạn 4 tuần

Australia sẽ giảm bớt các hạn chế về khoảng cách xã hội sẽ được quyết định sau cuộc họp nội các của nước này vào ngày 8/5 trong bối cảnh số lượng người nhiễm COVID-19 đang giảm dần.

Theo  Thủ tướng Scott Morrison, với  dưới  20 ca nhiễm mới mỗi ngày, Australia đang bàn bạc với các lãnh đạo tiểu bang để quyết định thời điểm nới lỏng các hạn chế và giãn cách xã hội.  Dự kiến việc nới lỏng sẽ được tiến hành trong thời gian 4  tuần để đảm bảo các biện pháp không dẫn đến sự “hồi sinh” của dịch bệnh, một số nguồn tin đã xác nhận với Reuters.

Liên hợp quốc  cảnh báo về 'nạn đói'

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) đã cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với "nạn đói lớn" nếu không đủ nguồn lực tài chính  cam kết để chống lại các tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới các nước nghèo trên thế giới, nhất là các quốc gia  vốn đang vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực.

Giám đốc điều hành của WFP David Beasley đã cho biết  trong một hội nghị ở Geneva ngày 7/5: "Những gì chúng ta đang phải đối mặt bây giờ là một đại dịch kép ... dịch bệnh và  nạn đói .

Mexico biến nơi ở của cựu tổng thống thành nơi lưu trú, cách ly  cho các y tá, bác sĩ

Mexico đã biến khu phức hợp sang trọng  "Los Pinos" của cựu tổng thống  Mexico, nơi thường dùng cho các nhà lãnh đạo Mexico và gia đình của họ từ năm 1934,  trở  thành một nơi lưu trú, cách ly  cho các nhân viên y tế trong tuyến đầu chiến đấu với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Đến nay, có khoảng 58 y tá, bác sĩ  đã ở trong Los Pinos, khu này có sức chứa tới 100 người.

Các quan chức Mexico  hy vọng dịch bệnh COVID-19  sẽ lên đến đỉnh điểm trong tuần này. Cho đến nay Mexico đã ghi nhận hơn 27.000  trường hợp nhiễm bệnh   và hơn 2700  người tử vong .

Tòa nhà trở thành nơi lưu trú, cách ly cho các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch tại Mexico

Ba Lan dời bầu cử tổng thống vì COVID-19

Theo Hãng thông tấn quốc gia Ba Lan, cuộc bầu cử tổng thống vốn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/5 tới đã bị hoãn lại vô thời hạn vì COVID-19. Đảng Luật pháp và công lý cầm quyền ở Ba Lan nhấn mạnh việc dời lại ngày bầu cử là "giải pháp tốt nhất để bảo đảm tất cả công dân Ba Lan có thể tham gia cuộc bầu cử dân chủ".

Chủ tịch Hạ viện Ba Lan (Sejm) sẽ là người thông báo ngày bầu cử mới và hình thức bầu cử sẽ là bỏ phiếu qua đường bưu điện. Số người mắc bệnh tại Ba Lan, hiện có khoảng 15.000  trường hợp nhiễm COVID-19 ở nước này, trong đó gần 900 người đã chết.

Mắt và đường thở là điểm xâm nhập quan trọng nhất của virus SARS-CoV-2

Các nhà nghiên  cứu ở Hồng Kông mới đây cho biết, đôi mắt có thể là "con đường quan trọng nhất " lây nhiễm virus SARS-CoV-2  vào cơ thể người. Thông tin được đăng tải trên South China Morning, các nhà khoa học Hồng Kông cho rằng, virus nguy hiểm này lây nhiễm qua mắt và đường thở cao gấp 100 lần so với hội chứng hô hấp cấp SARS.


Hải Yến
Ý kiến của bạn