Ngay sau khi Mỹ đưa ra danh sách 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị kim ngạch 50 tỷ USD sẽ chịu thuế 25% trong đó bao gồm các sản phẩm công nghệ, giao thông, dược phẩm của Trung Quốc, chưa đầy 24 giờ sau, Trung Quốc có động thái “đáp trả”. Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế 25% đối với 106 các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bao gồm đậu nành, ô tô , máy bay và hóa chất với tổng kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này vào Trung Quốc mỗi năm cũng lên tới 50 tỷ USD.
Trước đó, Trung Quốc đã áp thuế lên 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ chủ yếu là các sản phẩm thịt lợn, trái cây sấy khô, ống thép… để “trả lời ” cho quyết định của Tổng thống Mỹ D.Trump đánh thuế thép và nhôm của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu
Dù rằng các quyết định này chưa có hiệu lực nhưng động thái “ăn miếng trả miếng” của hai nền kinh tế đứng đầu thế giới bước đầu làm rung chuyển thị trường tài chính, các chỉ số chứng khoán Mỹ, Trung Quốc chìm trong sắc đỏ, giá vàng thế giới bật tăng.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ luôn là quốc gia bị thâm hụt thương mại với giá trị lên tới 375 tỷ USD vào năm 2017. Điều này không có gì lạ, bởi Trung Quốc luôn có lợi thế lớn về nhân công rẻ, bên cạnh đó Chính phủ Trung Quốc còn áp dụng chính sách hỗ trợ hàng xuất khẩu, làm ảnh hưởng tới hàng hóa của nhiều nước khác trong đó có Mỹ.
Người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tăng thuế.
Trong một bản báo cáo dài 215 trang của Chính quyền Mỹ tiết lộ chi tiết về việc Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nhằm ép buộc các công ty Mỹ chuyển đổi công nghệ và bí mật thương mại, để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường lên tới 1,3 tỷ người. Đây cũng là lý do khiến Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ, đánh cắp bí mật công nghệ, khiến người Mỹ mất hàng triệu việc làm. Chính vì thế những mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế mới đây liên quan tới lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, robot, thiết bị y tế…
Viễn cảnh mờ mịt của nền kinh tế thế giới
Nhà kinh tế học của Trung tâm Trung Quốc, Đại học Oxford, ông George Magnus tin rằng, những đòn trả đũa của 2 nước vừa qua chỉ là những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc chiến thương mại, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Trong thời gian tới, có khả năng hầu hết các hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một mức thuế mới, điều này sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế của xứ cờ hoa.
Nếu các mức thuế mới bắt đầu có hiệu lực, ảnh hưởng nhìn thấy trước mắt là các công ty nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, họ sẽ phải trả nhiều chi phí hơn, sản phẩm giá cao không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Người tiêu dùng Mỹ sẽ là “nạn nhân” tiếp theo của cuộc chiến này, bởi họ sẽ phải mất nhiều tiền hơn để mua hàng hóa. Về phần các doanh nghiệp xuất khẩu, lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp ở quốc gia khác sẽ giảm, từ đó doanh nghiệp sẽ mất thị phần. …
Một trong những hệ quả tất yếu của các cuộc chiến tranh thương mại là khi doanh nghiệp không tìm thấy lợi nhuận dẫn đến việc đóng cửa, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp, giá cả tăng cao, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế… Những “vết thương “này sẽ đến với cả hai bên, thậm chí còn lan ra nhiều quốc gia khác. Như ngay cả quyết định Mỹ áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu, không phải chỉ có Trung Quốc bị nhắm tới mà nhiều quốc gia khác cũng bị “ gọi tên”. Trong một kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là các quốc gia đồng loạt tăng thuế, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế thế giới, làm suy giảm kinh tế của mỗi quốc gia.
Mặc dù căng thẳng xuất phát từ 2 quốc gia, nhưng các “đòn đáp trả” thuế quan mới chỉ ở mức một số mặt hàng, tuy nhiên mức độ đang ngày càng lan rộng. Khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại chắc chắn chỉ gây ra nhiều tổn thương cho các bên.