Sau 18 tháng với các cuộc trả đũa thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, 13 vòng đàm phán khó khăn, Mỹ và Trung Quốc cũng đi đến cột mốc đầu tiên với việc ký kết Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tổng thống Donald Trump gọi đây là một thỏa thuận lịch sử, một bước đi quan trọng tiến tới quan hệ thương mại công bằng, có đi - có lại. Tổng thống Mỹ khẳng định: "Cùng nhau, chúng ta sẽ sửa những sai lầm trong quá khứ".
Thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 đã được ký kết
Thỏa thuận Mỹ Trung có giải quyết được các xung khắc thương mại hiện nay?
Theo thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng hơn 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới bao gồm các hàng nông sản, năng lượng và hàng hóa sản xuất của Mỹ. Đổi lại, Washington sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp hiện nay.
Cụ thể, Bắc Kinh sẽ mua từ Mỹ ít nhất 32 tỉ USD hàng nông sản trong vòng 2 năm, hơn 52 tỉ USD các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu từ Mỹ; gần 40 tỉ USD các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và khoảng 77,7 tỉ USD các hàng hóa công nghiệp Mỹ.
Về phần mình, Mỹ phải giảm mức thuế lên hàng hóa Trung Quốc như mức thuế 15% được áp ngày 1/9/2019 lên 120 tỉ hàng nhập từ Trung Quốc giảm xuống mức 7,5% bao gồm các mặt hàng như ti vi màn hình phẳng, tai nghe bluetooth và giày dép. Tuy nhiên, lượng lớn các sản phầm và linh kiện công nghiệp của Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên mức thuế 25% và có thể được sử dụng như một như một “con bài” để giành lợi thế trên bàn đàm phán sắp tới với Bắc Kinh.
Trước khi ký kết thỏa thuận thương mại, Washington đã có một “món quà ngoại giao” là xóa tên Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ, động thái được cho là nhằm làm giảm căng thẳng thương mại và giảm bất ổn kinh tế toàn cầu. Quyết định này khiến đồng Nhân dân tệ lên mức cao nhất từ tháng 7/2019.
Ưu thế đang nghiêng về Trung Quốc hay Mỹ?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng thỏa thuận này là một “ chiến thắng to lớn đối với các doanh nghiệp và nông dân Mỹ” . Tổng thống Mỹ Donald Trump là tổng thống đầu tiên “tấn công” vào vấn đề Trung Quốc. “ Lần đầu tiên Mỹ có được một thỏa thuận toàn diện về các vấn đề công nghệ, dịch vụ tài chính, các đơn hàng bổ sung, và một cơ chế thực sự để áp dụng thỏa thuận”, ông Steven Mnuchin nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sáng nay.
Thực tế, Mỹ đã có được gì sau 2 năm khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Mức thuế quan mà Washington áp đặt trên hàng nhập từ Trung Quốc đã đè nặng trên hàng xuất khẩu của nước này, ngược lại, doanh số hàng Mỹ bán sang Trung Quốc cũng phải gánh chịu các đòn trả đũa của Bắc Kinh. Hệ quả là chính quyền Mỹ đã phải trợ cấp rất nhiều cho nông dân của họ.
Sau thỏa thuận giai đoạn 1, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, dù đã ký thỏa thuận, nhưng vẫn tồn tại mâu thuẫn cốt lõi trong quan hệ thương mại Mỹ Trung, đó là liệu Trung Quốc có tiếp tục mở cửa thị trường của họ cho hàng Mỹ, Bắc Kinh có tiếp tục trợ cấp cho ngành công nghiệp của Trung Quốc hay có tôn trọng tài sản trí tuệ như Mỹ đòi hỏi hay không? Tất cả đều là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Dẫn phân tích của tờ Les Echos cho rằng, dù Bắc Kinh đã thúc đẩy được Mỹ chấp nhận một thỏa thuận nhưng họ vẫn không khuất phục trước các yêu sách của Washington. Điều mà Trung Quốc đạt được sau thỏa thuận này là họ vừa trấn an các nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại. Chính vì thế một số tờ báo cho rằng, thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc được lợi nhiều hơn Mỹ.
Điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có được là gây dựng hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc và đã buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Đây là một “điểm cộng” trong hồ sơ tranh cử sắp tới của ông Donald Trump trên chặng đường chinh phục vị trí Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung chỉ mới tạm ngưng, còn để xóa bỏ hoàn toàn xung đột chắc chắn còn mất rất nhiều thời gian nữa….