Ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á. Ảnh: AP
"Trung Quốc không nên nghi ngờ cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á của Mỹ và viễn cảnh trả đũa kinh tế cũng sẽ làm nản lòng Bắc Kinh nếu nước này định dùng vũ lực theo đuổi yêu sách lãnh thổ ở châu Á theo cách Nga làm ở Crimea", ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, hôm qua cho biết.
Ông Russel cho hay việc Nga sáp nhập Crimea làm gia tăng mối quan ngại trong số các đồng minh của Mỹ tại khu vực về khả năng Trung Quốc dùng vũ lực để theo đuổi yêu sách.
Trước Ủy ban Thượng viện về Đối ngoại, Reuters dẫn lời ông Russel nói cần "gia tăng thêm áp lực lên Trung Quốc nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với giải pháp hòa bình cho các vấn đề".
Theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ, các biện pháp trả đũa của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga ít nhiều có "tác dụng răn đe đối với bất cứ người nào ở Trung Quốc có ý định coi vụ sáp nhập Crimea là một hình mẫu".
Dù Washington tiếp tục thể hiện cam kết bằng những hiệp ước quốc phòng với Nhật, Mỹ và Hàn Quốc, ông Russel cho rằng không có lý do gì những tuyên bố chủ quyền chồng lấn không thể giải quyết được bằng phương pháp hòa bình.
Ông Russel hy vọng việc Philippines cuối tuần trước đệ đơn kiện Trung Quốc tại tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague (La Haye), Hà Lan, sẽ hối thúc Bắc Kinh giải thích rõ ràng, xóa đi sự mơ hồ xung quanh tuyên bố chủ quyền. Trợ lý ngoại trưởng coi việc triển khai một lượng lớn tàu Trung Quốc tại vùng tranh chấp với Philippines ở Biển Đông là "khó hiểu" và cho rằng Bắc Kinh đã có "những bước dường như mang tính hăm dọa", theo cách hiểu của Mỹ.
Tại châu Á, Trung Quốc còn có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như Việt Nam, Malaysia, Brunei. Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines từ ngày 22/4 tới. Ông được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh cam kết tái cân bằng trọng tâm về chiến lược và kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Trọng Giáp