Trong bức thư đề ngày 8/2 gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn cùng hợp tác “để phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng” có lợi cho cả hai nước. Trong khi đó, trong chuyến thăm Australia hôm 8/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lớn tiếng tuyên bố rằng “Nếu xung đột, cả Trung Quốc lẫn Mỹ sẽ đều thiệt hại”. Phải chăng Mỹ - Trung đang hướng tới một cách tiếp cận mới?
Trong thư gửi ông Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump cảm ơn ông Tập đã gửi thư chúc mừng ông nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng thời gửi lời chúc mừng năm mới thịnh vượng tới người dân Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức ngày 20/1 vừa qua, hai nhà lãnh đạo vẫn chưa trao đổi trực tiếp. Tuy nhiên, hôm 4/2 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn trong đó bày tỏ hy vọng sẽ phối hợp với Washington để quản lý và kiểm soát những tranh chấp cũng như các vấn đề nhạy cảm.
Vậy, Trung - Mỹ sẽ đối đầu hay bắt tay nhau?
Những quan điểm khác biệt
Giới chuyên gia nhận định quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đang đứng trước những thay đổi nhất định. Trước và sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đều đưa ra quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm Barack Obama về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông, việc tăng cường tiềm lực quân sự của Bắc Kinh cũng như những thông lệ thương mại không công bằng. Tổng thống Donald Trump từng không dưới một lần chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và áp thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào nước này. Tổng thống Donald Trump thậm chí đã đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì chính sách “Một Trung Quốc” hay không nếu chính quyền Bắc Kinh không có những nhượng bộ về thương mại cũng như một số vấn đề khác.
Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong chuyến thăm Australia hôm 8/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “nếu đối đầu nhau, cả Trung - Mỹ đều gánh chịu thiệt hại”. Trong khi đó, giới quan sát đưa ra dự báo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thực hiện những hành động cứng rắn ở biển Đông, như một động tác “nắn gân” tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại hội thảo “Mỹ nên có cách thức tiếp cận như thế nào đối với Trung Quốc? Những kiến nghị chính sách đối với chính quyền mới” do Viện Nghiên cứu Asia Soecity tổ chức diễn ra ngày 8/2 tại New York (Mỹ), các đại biểu đều cho rằng quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, do đó chính quyền Tổng thống Donald Trump cần nhanh chóng đánh giá lại chính sách của Washington đối với Bắc Kinh.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung của Viện Asia Soceity nhấn mạnh, hiện là thời điểm hết sức quan trọng đối với hai nước. Tại Trung Quốc đang xuất hiện những dấu hiệu bất ổn bắt nguồn từ cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh đối với nhiều vấn đề trong nước và trong quan hệ với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump cũng đang cân nhắc điều chỉnh lại định hướng mối quan hệ song phương.
Hiện có nhiều các ưu tiên được đưa ra trong quan hệ Mỹ - Trung. Đó là khả năng Mỹ hợp tác với Trung Quốc để chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; Tái khẳng định các cam kết của Mỹ đối với châu Á; Triển khai những công cụ hiệu quả để xử lý tình trạng thiếu tính tương hỗ trong quan hệ đầu tư và mậu dịch Mỹ - Trung; Tăng cường các nỗ lực để khuyến khích cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc, pháp luật quốc tế trong kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hàng hải tại châu Á - Thái Bình Dương; Duy trì và mở rộng sự hợp tác Mỹ - Trung trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Như vậy, quan hệ Mỹ - Trung sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là thái độ của Bắc Kinh và Washington cư xử với nhau. Nếu tính toán chặt chẽ tới các lợi ích đan xen, chắc chắn Mỹ và Trung Quốc sẽ không mong muốn đẩy quan hệ song phương lên theo chiều hướng quá căng thẳng. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung là một ví dụ. Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21, bà Susan L.Shirk cho rằng chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung sẽ không xảy ra là vì người tiêu dùng Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ là bên bị hại nhiều nhất và thậm chí cả nền kinh tế thế giới sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Muốn vậy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần hối thúc Trung Quốc thực thi nhiều hơn nữa các cam kết quốc tế, một điều mà Trung Quốc vốn có tiếng là “Nói đi ngược lại với làm”.