Đây là cuộc đối thoại Mỹ - Trung lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh trong những năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Định hình sắc thái của cặp quan hệ quan trọng nhất thế giới
Tại buổi họp báo tổ chức thường niên tại Bắc Kinh vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ hy vọng rằng tại cuộc đối thoại này, hai bên Mỹ - Trung có thể nắm chắc ý đồ chính trị của nhau, tăng cường sự hiểu biết, kiểm soát bất đồng, thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung quay trở lại quỹ đạo đúng đắn. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc đối thoại: "Ngay cả khi chúng ta không thể giải quyết mọi việc sớm thì việc trao đổi quan điểm như vậy sẽ giúp tăng cường lòng tin và xóa tan những nghi ngờ”.
Phát biểu trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Đây là một cơ hội quan trọng để Mỹ trình bày thẳng thắn về nhiều mối quan tâm của mình. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có con đường hợp tác nào không và chúng tôi sẽ thảo luận về sự cạnh tranh mà chúng ta có với Trung Quốc, để đảm bảo Mỹ có một sân chơi bình đẳng và các công ty cũng như người lao động của chúng ta được hưởng lợi từ điều đó".
Mối quan hệ Mỹ - Trung vốn dĩ đã chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua vào những năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hai nước gia tăng liên tiếp các biện pháp trừng phạt và nâng thuế với nhau, thậm chí trục xuất nhà báo và đóng cửa lãnh sự quán của nước kia.
Nhận định về tầm quan trọng của cuộc đối thoại trên, ông Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết: "Đó là một cử chỉ tốt đẹp của chính quyền Tổng thống Biden. Sẽ là một kết quả tích cực nếu hai nước có thể tiến xa hơn những lời xã giao và bắt đầu nối lại cơ chế đối thoại về các vấn đề đáng quan tâm, chẳng hạn như phân tách công nghệ, thương mại".
Ông Ren Xiao - Giám đốc Trung tâm Chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Fudan (Trung Quốc) nhận định việc Mỹ - Trung tham gia vào một cuộc trao đổi có ý nghĩa quan trọng để "ngăn chặn sự hiểu lầm và vượt qua những quan điểm trái ngược".
Chẳng có nhiều hy vọng hòa hợp
Giới quan sát nhận định rằng cuộc đối thoại Mỹ - Trung vào ngày 18/3 tới chỉ có thể là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán hai bên trong tương lai nhưng không phải là cuộc gặp mang tính chất “bẻ lái” ngay lập tức, không đưa ra bất kỳ giải pháp thực chất nào cho căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay.
"Khó có thể tìm ra cách để Mỹ và Trung Quốc tái khởi động quan hệ thành công " - ông Derek Grossman, cựu cố vấn tình báo của Lầu Năm Góc, bình luận trong bài viết trên tờ Nikkei Asia (Nhật Bản). Theo ông Grossman, Washington và Bắc Kinh có quá nhiều bất đồng sâu sắc đến mức khả năng đạt được một thỏa thuận để thay đổi tình thế là gần như không có. Nhìn về tương lai, Mỹ và Trung Quốc dường như chỉ có thể hợp tác hạn chế trong những thách thức mà hai bên cùng quan ngại, thay vì tái khởi động tổng thể quan hệ song phương.
Ông Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định rằng cuộc đối thoại trên chỉ là cơ hội để mỗi bên kiểm tra điểm mấu chốt của nhau và tìm ra điểm chung để xây dựng cách tiếp cận mới. "Tôi không nghĩ bên nào cũng mong đợi kết quả ngay lập tức. Điều này là để mở lại liên lạc ở cấp cao nhất, vì tất cả các tương tác đã bị tạm dừng khá lâu rồi" – ông Weidong phân tích.
Còn theo ông Xiao, tuy Mỹ - Trung không thể giải quyết ngay những vấn đề cụ thể trong cuộc gặp trên nhưng đó là cơ hội khiến hai bên hiểu đúng về ý định của nhau. “Có nhiều vấn để cần thảo luận sâu hơn trong những cuộc gặp khác bởi chúng liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau và chúng cần được giải quyết dần trong 4 năm tới" – ông Xiao phân tích.
Ông Wei Zongyou, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc) đánh giá rằng “Cuộc gặp này cho thấy lãnh đạo hai nước không muốn quan hệ song phương tiếp tục đi trên con đường đối đầu của thời ông Trump” .